Câu chuyện bạo lực ở trẻ chưa bao giờ là chuyện cũ, bởi đây là một trong những vấn đề nhức nhối ở nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, bạo lực trẻ em diễn ra khá phổ biến. Theo thống kê của Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội) thì mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ bị bạo lực, xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp.
Theo một nghiên cứu khác của Bộ Công an đối với 2.000 học viên các trường giáo dưỡng cho thấy 50% em có tuổi thơ từng sống trong tình trạng hà khắc của bố mẹ và trong đó có tới 23% các em bị bố đánh gấp 5 lần tỉ lệ trẻ bị mẹ đánh.
Những vết thương về thể xác của trẻ sau bạo lực có thể lành lại, tuy nhiên khi những thương tật ấy nằm ngoài sự chữa trị của y học thì đó lại trở thành vết sẹo theo các em đến hết cuộc đời.
Không những vậy, có những trẻ bị bạo lực dẫn đến hỏng đi đôi mắt hay nặng hơn là tử vong do nhiễm trùng là điều có thể xảy ra.
Cụ thể, theo GS.TS Bruce Moore, Chuyên gia khúc xạ Nhãn nhi, Đại học Nhãn khoa New England, Mỹ chia sẻ tại Hội thảo “Bạo hành trẻ em - Hỗ trợ, chăm sóc và điều trị tổn thương Mắt” thì: “Tất cả những hành vi bạo lực trẻ như xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em, gây tổn thương về tinh thần, đe dọa trẻ bằng hình ảnh, âm thanh… đều có thể tác động và gây ảnh hưởng trực tiếp đến mắt trẻ.
Trong số các trường hợp bạo hành 40% tổn thương tại mắt và có tới 5-10% trẻ bị bạo lực đã tìm gặp đến bác sĩ mắt đầu tiên và 20% trẻ bị tổn thương trực tiếp ở mắt”.
GS.TS Bruce Moore nhấn mạnh, một số hình thức bạo hành trẻ em như xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em, hội chứng rung lắc mạnh trẻ… có thể tác động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến mắt và thị giác của trẻ nhỏ. Trường hợp nhiễm khuẩn nặng có thể dẫn tới tử vong.
Để hạn chế bạo hành trẻ em, ông Đặng Xuân Nguyên, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 khuyến cáo, các trường thực hiện công tác phòng ngừa qua việc theo dõi giám sát môi trường chăm sóc trẻ.
Đối với gia đình, cha mẹ cần tổ chức các lớp kỹ năng chăm sóc trẻ. Tại các trường sớm có lớp tham vấn tâm lý học đường cho cả học sinh và giáo viên để có điều chỉnh tốt hơn, nhất là khi phát hiện có sang chấn tâm lý để trị liệu sớm.
Ngọc NgaBạn đang xem bài viết Nghiên cứu: Trẻ bị xâm hại thân thể, đe dọa trẻ bằng hình ảnh, âm thanh đều bị tổn thương ở mắt tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].