Vì sao smartphone phát nổ?
Có nhiều lý do khiến điện thoại thông minh có thể phát nổ, và hầu như luôn luôn liên quan đến pin của thiết bị.
Các thiết bị di động hiện đại được cung cấp năng lượng bởi pin lithium-ion, có sự cân bằng giữa các điện cực âm và dương để cho phép sạc lại nhiều lần.
Khi trục trặc xảy ra, các thành phần bên trong pin có thể bị hỏng và tạo ra phản ứng bay hơi dẫn đến cháy nổ.
Điều này có thể xảy ra vì nhiều lý do, nhưng vấn đề phổ biến nhất là nhiệt độ quá cao.
Nhiệt độ cao quá mức có thể do hư hỏng vật lý (do rơi, va đập, bẻ cong quá mức" làm gián đoạn hoạt động bên trong của pin.
Để điện thoại ngoài trời nắng quá lâu, phần mềm độc hại khiến CPU hoạt động quá mức hoặc lỗi sạc pin đều có thể gây ra hiện tượng đoản mạch bên trong thiết bị.
Hoặc cũng có thể do pin xuống cấp theo thời gian sau nhiều năm sử dụng, khiến pin bị phồng và nóng quá mức. Cũng có thể do lỗi trong quá trình sản xuất, điều mà bạn không thể kiểm soát được.
Dấu hiệu cảnh báo smartphone sắp phát nổ
Nếu bạn nghe thấy những âm thanh lộp bộp hay tiếng rít từ trong điện thoại, hoặc ngửi thấy mùi nhựa hoặc hóa chất cháy, thì điện thoại của bạn có thể đã bị hư hỏng và sắp phát nổ.
Tương tự, nếu thấy điện thoại quá nóng nhất là khi đang sạc, hãy rút phích cắm ra ngay lập tức.
Một dấu hiệu cảnh báo khác là pin bị phồng. Hãy chú ý xem smartphone bất kỳ thay đổi nào về hình dạng, như màn hình bị phồng lên, đường nối bị hở, hoặc khung máy bị căng phồng hay không.
Hầu hết các điện thoại thông minh hiện đại không còn cho phép bạn tháo pin, vì vậy nếu bạn thấy lo lắng, hãy tắt thiết bị và mang đi bảo dưỡng ngay lập tức.
Phòng tránh smartphone phát nổ
Mặc dù bạn có thể áp dụng một số biện pháp để giảm nguy cơ cho điện thoại, nhưng bạn sẽ không thể làm được gì nếu đó là lỗi của nhà sản xuất hoặc thiết bị xuống cấp theo thời gian.
Tuy nhiên dưới đây là một số điều bạn nên hoặc không nên làm để bảo vệ điện thoại và phòng tránh phát nổ.
1. Dùng ốp điện thoại
Tuy không phổ biến nhưng việc đánh rơi điện thoại có thể làm hỏng pin.
Dù không phải chiếc smartphone nào bị rơi cũng sẽ phát nổ, nhưng một cách để bảo vệ các bộ phận bên trong thiết bị của bạn là dùng ốp điện thoại (tốt nhất là loại có viền bao quanh các cạnh.
2. Tránh nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh
Pin điện thoại hoạt động tốt nhất ở nhiệt độ từ 0 đến 35 độ C. Thường xuyên tiếp xúc với điều kiện khắc nghiệt có thể làm hư hỏng các thành phần bên trong về lâu dài.
Do đó bạn nên tránh để điện thoại dưới ánh nắng trực tiếp hay trên bộ tản nhiệt nóng trong thời gian dài, nhất là khi sạc điện thoại.
Bạn cũng nên tránh nhiệt độ quá thấp và không để điện thoại trong xe ô tô trong những ngày lạnh giá.
3. Không che phủ điện thoại khi đang sạc
Đừng che phủ điện thoại bằng bất kỳ thứ gì khi đang sạc, và không sạc trên giường đệm. Tốt nhất nên để điện thoại trên mặt phẳng cứng như trên bàn.
Nếu sạc điện thoại trên giường ngủ vào ban đêm, bạn có thể đè vào điện thoại hoặc khiến chăn gối trùm lên nó.
4. Chăm sóc pin đúng cách
Bạn nên sạc pin điện thoại từ 30%-80% và hạn chế sạc nhanh qua đêm.
Tuy nhiên nếu bạn không làm được thì cũng không cần quá lo lắng, vì phải mất vài năm để pin điện thoại suy giảm một cách tự nhiên.
Nếu bạn đổi điện thoại sau 1, 2 năm thì bạn có thể khá yên tâm.
5. Dùng bộ sạc phù hợp
Thiết bị của bạn cần điện áp và dòng điện tối ưu để sạc đúng cách, vì vậy, chúng tôi khuyên bạn nên dùng bộ sạc đi kèm với điện thoại hoặc mua bộ sạc chính hãng từ nhà sản xuất.
Bạn không nên kết hợp dây cáp và cục sạc khác loại vì chúng có thể có công suất khác nhau và làm hại pin.
Nếu phải dùng bộ sạc của một bên thứ ba, thì hãy chọn thương hiệu uy tín thay vì một công ty vô danh chỉ vì giá rẻ. Dù có thể đắt hơn một chút nhưng sẽ đáng giá về lâu dài.
6. Bảo vệ dây cáp
Dây cáp hư hỏng cũng có thể gây vấn đề khi sạc pin và cháy nổ. Bạn nên tránh quấn dây cáp quá chặt và khi rút sạc thì hãy nhẹ nhàng thay vì giật dây một cách thô bạo.
Nếu thấy dây cáp bị sờn, chảy thì đã đến lúc nên thay dây mới.
7. Thận trọng với các phần mềm độc hại
Smartphone bị nhiễm phần mềm độc hại có thể làm pin nóng quá mức và hỏng điện thoại.
Nếu bạn thấy điện thoại chạy chậm quá mức, nóng bất thường, các cửa sổ không ngừng tự động bật lên thì có thể điện thoại đã bị nhiễm phần mềm độc hại.
(Theo Pcmag)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Dấu hiệu smartphone sắp phát nổ và 7 nguyên tắc phòng tránh tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].