1. Vi khuẩn HP là gì
Theo Bệnh viện Đa khoa Hà Nội, vi khuẩn HP có tên đầy đủ là "Helicobacter pylori", là một loại vi khuẩn sống và gây hại trong dạ dày.
Vi khuẩn tồn tại nhờ tiết ra một loại enzyme có tên Urease để trung hòa với độ acid trong dạ dày.
Sau đó, nó bám dính vào biểu mô và trở thành tác nhân chính gây nên những bệnh về tiêu hóa.
Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày phổ biến nhất, 70% bệnh nhân có vi khuẩn HP trong dạ dày.
Vi khuẩn HP gây bệnh theo cơ chế sau:
- Thứ nhất, vi khuẩn HP có khả năng tiết ra một loại men làm loại bỏ lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, làm tiền đề cho axit dạ dày xâm nhập vào lớp niêm mạc gây tổn thương.
- Thứ hai, vi khuẩn HP sản sinh ra một loại độc tố có khả năng làm thoái hóa, hoại tử tế bào dạ dày, từ đó axit dịch vị thẩm thấu mạnh mẽ gây viêm loét, trợt dạ dày.
Mọi đối tượng đều có nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP. Tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tuổi tác, khu vực địa lý, thói quen sinh hoạt và chất lượng sống.
Trẻ nhỏ cũng có nguy cơ nhiễm khuẩn cao do bố mẹ hay người thân nhiễm vi khuẩn có thói quen hôn môi trẻ, mớm thức ăn cho trẻ...
Do đó, nếu được chẩn đoán viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP thì người bệnh cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ đồng thời sử dụng đồ dùng riêng với người thân để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.
2. Dấu hiệu, triệu chứng nhiễm vi khuẩn HP thường gặp
Những triệu chứng thường gặp mà người bệnh nhiễm vi khuẩn HP gặp phải:
- Đau từng cơn hoặc đau âm ỉ vùng bụng
- Đau thượng vị, đau bụng dữ dội
- Ợ hơi, đầy hơi, chướng bụng
- Buồn nôn và nôn, nôn ra máu
- Chán ăn, ăn không ngon miệng
- Giảm cân bất thường
- Cảm giác khó nuốt khi ăn uống
- Đi đại tiện có lẫn máu
- Chóng mặt, ngất xỉu, mặt tái nhợt
Dù hơn 70% dân số Việt Nam nhiễm vi khuẩn HP, không phải người nào nhiễm cũng mang bệnh hoặc có các biểu hiện bệnh.
Tuy nhiên, HP là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý nguy hiểm như viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày,...
3. Cách phòng tránh lây nhiễm vi khuẩn HP
Chủ động phòng tránh lây nhiễm là cách tốt nhất để bảo vệ sức khoẻ của bạn.
Do vi khuẩn HP rất dễ lây lan qua đường miệng hoặc vệ sinh không sạch sẽ, chúng ta cần:
- Nếu trong gia đình có người thân mắc viêm dạ dày HP, tuyệt đối nên tránh sự lây nhiễm của vi khuẩn thông qua nước bọt và dịch tiết đường tiêu hóa, rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ sau khi đi vệ sinh.
- Không ăn những thức ăn ngoài đường phố, vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ chế biến thức ăn, không ăn những thực phẩm chưa qua chế biến như rau sống, gỏi …
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ 1 năm/lần với người khỏe mạnh và 6 tháng/lần với người mang mầm bệnh. Lựa chọn các bệnh viện, cơ sở khám sức khỏe uy tín để thăm khám.
- Nếu đã nhiễm vi khuẩn HP, người bệnh cần được tầm soát sớm để tránh những biến chứng nặng hơn và nếu cần thiết, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị, tránh lây lan cho những người thân trong gia đình cũng như cộng đồng.
Hoàng Nguyên (t/h)Bạn đang xem bài viết Vi khuẩn HP có trong dạ dày của 70% người Việt: Dấu hiệu và cách phòng tránh ai cũng cần biết tại chuyên mục Các bệnh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].