Tuy nhiên, nhiều người mắc bệnh này lại tìm đến điều trị thuốc nam, gây ảnh hưởng đến quá trình khám chữa bệnh, di chứng nặng nề hơn.
Chị N.T.L.T (Phú Thọ) phát hiện khối u vú phải cách đây 3 năm. Tuy nhiên, chị không đến bệnh viện điều trị mà tự cắt thuốc nam chữa tại nhà. Tuy nhiên, bệnh không thuyên giảm mà ngày càng xuất hiện các triệu chứng bất thường, khối u to lên nhanh chóng, sưng đỏ, lở loét, chảy dịch.
Tháng 8/2018, chị T. buộc tìm đến Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ thăm khám vì tình trạng ngực phải ngày càng nặng nề. Khối u ngực đã vỡ loét, núm vú tụt sâu có kèm theo hạch nách.
Tại đây, bác sĩ lên phác đồ điều trị, truyền hoá chất cho chị. Sau điều trị truyền hoá chất đợt 1, khối u hiện đã co nhỏ hơn, không còn chảy dịch.
Ths. Bs Trần Xuân Vĩnh - Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ chia sẻ, hiện nay, nhiều bệnh nhân ung thư vú nói riêng, ung thư nói chung có suy nghĩ chữa trị bệnh bằng phương pháp đắp lá, dùng thuốc nam, bài thuốc truyền miệng.
Tuy nhiên, theo quan điểm bác sĩ chuyên môn, BS Vinh cho rằng, bất cứ phác đồ điều trị ung thư nào cũng cần được sự cho phép của Bộ Y tế, nghiên cứu theo khoa học.
Còn với chữa thuốc nam, thuốc lá, chưa có bất kỳ phương pháp nào được thừa nhận trong điều trị ung thư. Và thực tế cũng cho thấy, bác sĩ chưa tiếp nhận trường hợp nào sử dụng thuốc lá điều trị bệnh có hiệu quả.
Chưa kể, những người tin, lạm dụng phương pháp phản khoa học có thể gây trì hoãn quá trình điều trị, làm ung thư di căn, bệnh phát triển đến giai đoạn muộn bỏ lỡ cơ hội vàng trong điều trị bệnh khiến bệnh khó điều trị, chi phí tốn kém hơn.
Trong khi đó, không chỉ u vú, nhiều bệnh ung thư nếu được phát hiện giai đoạn sớm có cơ hội điều trị bệnh hoàn toàn.
Như với ung thư vú, nếu điều trị đúng phác đồ tại giai đoạn 1 - 2, khả năng chữa trị bệnh lên đến trên 90%, trong khi, khi bệnh lên giai đoạn 3 - 4, cơ hội giảm xuống chỉ còn hơn 40%.
Ths. Bs Trần Xuân Vĩnh cho biết, với ung thư vú, yếu tố nguy cơ cao có thể dẫn đến bệnh bao gồm gen, đột biến gen, một số yếu tố khác như kinh sớm, mãn kinh muộn, có con muộn, không sinh con, không cho con bú, hút thuốc lá…
Theo thống kê, những người trong gia đình mắc bệnh ung thư vú thì tỉ lệ mắc bệnh cao hơn. Đồng thời, theo thống kê các yếu tố liên quan ung thư vú, nhóm phụ nữ không sinh con, không cho con bú có tỉ lệ ung thư vú cao hơn bình thường.
Điều trị ung thư vú, phụ nữ hoàn toàn giữ được chức năng sinh sản, cho con bú bình thường cũng như giữ được chức năng sinh lí.
Qua đây, bác sĩ khuyến cáo, với phụ nữ, nếu vùng ngực xuất hiện u cục, hạch ở nách… nên tìm đến cơ sở y tế để tầm soát ung thư vú và được điều trị sớm, nâng cao chất lượng điều trị.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Đắp thuốc lá chữa bệnh ung thư vú suốt 3 năm, bệnh nhân khóc thét khi nhìn vào ngực mình tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].