Cứ 10 trẻ thì có 7 em bị cha mẹ, người chăm sóc trừng phạt thân thể và tinh thần

Người lớn thường đánh trẻ con bởi họ nóng giận hoặc chịu nhiều áp lực từ bên ngoài. Và khi làm điều này, họ đang tạo một thói quen, cứ mỗi lần họ nghĩ đứa trẻ cư xử không tốt, mắc sai lầm họ sẽ mặc nhiên đánh trẻ.

Đừng giận cá chém thớt lên con trẻ

Chị Lê Thị Thanh Thủy (Doanh nhân Giáo dục và Truyền thông đến từ Hà Nội) đã từng thường xuyên quát mắng con vô cớ và đến khi bình tĩnh nghĩ lại mới thấy việc mình làm là không thể chấp nhận được.

Chị Lê Thị Thanh Thủy - Doanh nhân Giáo dục và Truyền thông đến từ Hà Nội)

Chị Lê Thị Thanh Thủy - Doanh nhân Giáo dục và Truyền thông đến từ Hà Nội)

Chia sẻ về cách mà mình đã từng dùng để dạy con, chị Thủy cho biết: ‘Cũng như rất nhiều bà mẹ ở Việt Nam, khi mới bắt đầu làm mẹ tôi không được chuẩn bị, không được học cách làm mẹ như thế nào.

Và vì không được chuẩn bị gì nên một cách tự nhiên tôi cư xử với con tôi như cách mà tôi đã nhìn thấy, như cách mà tôi cảm nhận được khi mình còn nhỏ và như cách mà nhiều người xung quanh tôi vẫn đang cư xử với trẻ nhỏ, đó là dùng đòn roi, quát mắng để dạy con.

Khi làm những điều đó tôi không thấy điều mà tôi làm có gì là ghê gớm, tôi thấy nó rất bình thường.

Những lúc tức giận tôi quát rất là to, đôi khi tôi còn giận cá chém thớt, tức giận người giúp việc, tức giận hàng xóm, tức chồng… tôi đều trút lên người con tôi.

Nhất là khi chăm con ở giai đoạn con dưới 1 tuổi, việc ăn ngủ của con làm tôi bị stress.

Nhưng tôi không thay đổi được cách suy nghĩ, thái độ của mình và tôi luôn gào thét, quát mắng con khi căng thẳng.

Có những lúc bình tĩnh lại tôi thấy cách mình làm mẹ không khéo bằng các loài vật làm mẹ.

Bởi, có lần tôi xem một clip về một đàn vịt đi bơi, khi đi qua đoạn bậc thang cao, vịt mẹ kiên nhẫn chờ đợi 10 chú vịt con lần lượt leo qua được bậc thang thì vịt mẹ mới đi.

Vậy mà tôi thì khác hẳn, mỗi lần ra ngoài con tôi chậm chạp trong việc mặc quần áo, đi giầy dép là tôi lại quát mắng ầm ĩ lên thay vì kiên nhẫn để chờ đợi, hướng dẫn con.

Thậm chí có lúc tôi lôi con xềnh xệch như một đống giẻ rách mà tôi không hề cảm nhận được điều đó’.

Cha mẹ hãy ngừng đánh con, ngừng quát mắng con và học cách yêu thương con

Cha mẹ hãy ngừng đánh con, ngừng quát mắng con và học cách yêu thương con

Chính cách dạy con theo kiểu ‘thương cho roi cho vọt’ của các mẹ xung quanh làm chị Thủy không cảm thấy những điều mình làm với con là có vấn đề.

Chỉ đến khi làm mẹ một thời gian, cùng con lớn lên chị Thủy mới dần nhận ra những điều bất ổn trong việc chăm sóc, nuôi dạy con của mình, trong cái cách mà mình cư xử với con.

‘Nhất là khi con tôi bắt đầu biết nói, biết phản ứng, con có những phản ứng mà tôi nhìn thấy rất là quen thuộc.

Tôi giật mình với sự quen thuộc đó, đặc biệt là khi thấy con quát mắng em, đánh em. Con đối xử với em như đúng những gì tôi đã làm với con trước đó.

Chính điều đó làm tôi giật mình và nhắc nhở tôi phải suy nghĩ lại về những lời nói, hành động của mình đối với con’ – chị Thủy tâm sự.

Trẻ trưởng thành trong bạo lực sẽ có những hành vi bạo lực

Sau một quá trình tự kiểm điểm về những hành vi, thái độ ứng xử của mình với con, chị Thủy cho rằng, nguyên nhân chị dạy con bằng cách dùng đòn roi chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc tuổi thơ phải chịu những hình phạt về thể chất và tinh thần.

Tâm sự về hoàn cảnh của mình chị Thủy cho biết: ‘Tôi lớn lên trong một gia đình bình thường như rất nhiều gia đình ở nông thôn Bắc Bộ khác.

Bố tôi đã có 2 cô con gái trước khi lấy mẹ tôi. Và khi mẹ mang bầu tôi, bố tôi hy vọng tôi sẽ là con trai, trước đó 1 người con trai của ông đã mất khi còn nhỏ.

Do đặt quá nhiều hy vọng nên khi mẹ tôi sinh tôi ra là con gái thì không chỉ bố tôi mà cả dòng họ đều thất vọng.

Mẹ tôi thì luôn nghĩ mình là một người hoàn hảo và bà không chấp nhận hình ảnh của mình bị xấu đi trong mắt người khác, nhất là trong mắt 2 người con chồng.

Bà cũng không muốn bị mang tiếng về tình cảm dì ghẻ con chồng nên bà đối xử với 2 chị gái của tôi rất ân cần, trong khi 2 chị đang tuổi dậy thì, tâm sinh lý thay đổi nên rất ngang ngạnh, khó bảo.

Chính những điều đó làm mẹ tôi có nhiều điều ức chế mà không có chỗ trút giận và tất cả sự tức giận, khó chịu của bà đều trút cả lên đầu tôi.

Người lớn đừng giận cá chém thớt lên đầu con trẻ

Người lớn đừng giận cá chém thớt lên đầu con trẻ

Đến năm tôi 6 tuổi, tôi có một cậu em trai và thế là cả nhà tập trung tình yêu, sự quan tâm vào cậu em trai đó.

Sự hờ hững của người thân, đòn roi, quát mắng của mẹ làm tôi có suy nghĩ sự ra đời của tôi là một sai lầm, sự ra đời của tôi là nỗi đau của mẹ tôi.

Bởi, có những câu nói của mẹ mà gần 40 năm trôi qua tôi vẫn không bao giờ quên được.

Mẹ đã từng nói với tôi ‘đẻ mày tao thà đẻ hòn máu đánh rơi’, hay khi tôi cãi lại, phản ứng lại mẹ thì bà bảo ‘biết thế tao bóp chết mày từ trong trứng’…

Những câu nói gai góc được mẹ tôi bật thốt ra để mắng chửi con mình đã ám ảnh vào tôi như là sự từ chối sự tồn tại của cá nhân tôi.

Tổn thương trong tuổi thơ kéo dài đến khi tôi làm mẹ và tôi đã có những hành động, lời nói giống như vậy với con mình.

Đã có lúc tôi phải giật mình vì những gì mình mắng con giống với những điều mình nghe thấy khi còn nhỏ.

Điều này làm tôi sợ hãi, tôi sợ con tôi phải trải qua tuổi thơ giống như tôi và khi lớn lên con cũng có những hành động bạo lực như những gì con đã chứng kiến.

Câu chuyện của tôi cũng là điều mà tôi muốn nhắc nhở các bậc làm cha, làm mẹ dừng việc đánh con, quát mắng con.

Dạy con trẻ cách yêu thương để chúng nghĩ đến gia đình, nghĩ đến bố mẹ khi gặp khó khăn, khi yếu đuối nhất và có được chỗ dựa tinh thần vững chắc

Dạy con trẻ cách yêu thương để chúng nghĩ đến gia đình, nghĩ đến bố mẹ khi gặp khó khăn, khi yếu đuối nhất và có được chỗ dựa tinh thần vững chắc

Cha mẹ nên biết rằng, vết thương trên da thịt có thể lành nhưng vết thương tinh thần lại đeo bám suốt cuộc đời trẻ và có thể truyền sang thế hệ sau.

Đến bây giờ thì tôi không còn oán trách gì mẹ tôi nhưng sự kết nối giữa tôi và mẹ không được tình cảm.

Trong suy nghĩ của tôi, bố mẹ là người sinh ra tôi nhưng họ không phải là chỗ dựa tinh thần khi tôi cần, không phải một nơi tiếp cho tôi sức mạnh khi tôi yếu đuối.

Và tôi đang cố gắng sửa sai để có thể cư xử, dạy dỗ con tôi mà không cần đòn roi hay quát mắng.

Tôi muốn con tôi trưởng thành trong môi trường gia đình ấm cúng, yêu thương, để con có thể nghĩ đến gia đình, nghĩ đến bố mẹ khi gặp khó khăn, khi yếu đuối nhất và có được chỗ dựa tinh thần vững chắc’.

Hậu quả của trừng phạt thân thể và tinh thần đối với trẻ

Theo ông Trần Ban Hùng, chuyên gia bảo vệ trẻ em, nuôi dạy trẻ là một hành trình nhiều niềm vui, hạnh phúc nhưng cũng có nhiều khó khăn vất vả.

Ông Trần Ban Hùng - Chuyên gia bảo vệ trẻ em

Ông Trần Ban Hùng - Chuyên gia bảo vệ trẻ em

Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2015 cho thấy, gần 70% trẻ em Việt Nam từ 1 – 14 tuổi bị cha mẹ, người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt thân thể và tinh thần.

Ông Hùng cũng cho rằng, mọi hành vi trừng phạt thân thể và tinh thần đối với trẻ gây ra nhiều hậu quả nặng nề như:

- Gây ra cái chết của hàng ngàn trẻ em trên thế giới mỗi năm, con số chấn thương còn nhiều hơn và là nguyên nhân trực tiếp của việc suy giảm sức khỏe thể chất của trẻ.

- Góp phần tạo ra một số hành vi không tốt ở trẻ như bắt nạt, nói dối, trốn học và trẻ có thể bắt chước để dùng bạo lực với người khác khi trưởng thành.

- Trẻ có nhiều khả năng tức giận, nóng nảy hơn với bản thân hoặc cha mẹ.

- Trẻ có nhiều khả năng bị trầm cảm, rối loạn hành vi, lạm dụng rượu và chất gây nghiện.

- Trẻ sợ cha mẹ, thầy cô và những người lớn có ‘quyền’ khác dẫn đến tâm lý luôn sợ hãi, tự ti, nguy cơ học kém, học chậm, muốn xa lánh người khác, bỏ nhà hoặc bỏ học.

Linh Ly

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính