Lá lốt là gì?
Lá lốt là cây thân thảo đa niên, có tên khoa học Piper sarmentosum, thuộc họ Hồ tiêu (Piperaceae, bao gồm các loài như trầu không, hồ tiêu). Một số địa phương còn gọi là "nốt", (ở Nam bộ có nơi gọi là "Lá lốp").
Lốt thường được trồng bằng cách giâm cành nơi ẩm ướt, dọc bờ nước, để lấy lá làm gia vị và làm thuốc.
Những công dụng tuyệt vời của lá lốt với sức khỏe
Lá lốt có thể chữa chứng ra nhiều mồ hôi ở chân, tay
Một trong những công dụng đầu tiên của lá lốt với sức khỏe đó là có thể chữa chứng đổ mồ hôi ở bàn chân, bàn tay.
Cách làm rất đơn giản: Bạn lấy một nắm lá lốt tươi, rửa sạch và để ráo nước, sau đó cho vào đun sôi cùng 3 lít nước. Khi nước đã sôi bạn cho thêm một ít muối, đợi một lát và rồi ngâm bàn tay, bàn chân trong khi nước còn ấm. Chỉ cần thực hiện thao tác đơn giản này trong vòng 1 tuần là chứng ra nhiều mồ hôi ở bàn tay, bàn chân sẽ giảm hẳn.
Giảm đau xương khớp
Thêm một công dụng tuyệt vời nữa của lá lốt đó là giảm đau xương khớp. Theo đông y, á lốt có tính ẩm, vị cay nồng và có mùi thơm, loại lá này rất tốt trong việc sử dụng làm thuốc giảm đau xương, khớp.
Cách làm như sau: Lấy 5 - 10g lá lốt đã được phơi khô (15 - 30g lá tươi), sắc nước uống (sắc 2 bát nước còn nửa bát). Uống khi nước còn ấm, tốt nhất nên uống sau bữa tối. Hãy kiên trì uống trong khoảng 2 tuần, bạn sẽ thấy tác dụng giảm đau xương khớp rõ rệt.
Chống viêm vùng kín
Đối với chị em phụ nữ, lá lốt là bài thuốc hữu hiệu cho việc phòng, chống viêm vùng kín bởi trong lá lốt có chứa ancaloit và tinh dầu có công dụng kháng khuẩn, chống viêm. Vì vậy sử dụng lá lốt có thể ngăn ngừa sự phát triển của các triệu chứng các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, ngứa ngáy vùng kín…
Tuy nhiên lưu ý, khi sử dụng lá lốt để chữa bệnh phụ khoa, không nên lấy nước đun lá lốt để thụt rửa sâu trong âm đạo mà chỉ nên rửa nhẹ nhàng ở bên ngoài. Hơn nữa cũng cần kết hợp hài hòa việc dùng lá lốt với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt tình dục lành mạnh, an toàn.
Ngoài những công dụng kể trên, lá lốt còn là một trong những nguyên liệu được sử dụng trong các bài thuốc dùng để chữa nhiều bệnh khác như:
Điều trị đau bụng: Lấy khoảng 20g lá lốt tươi, rửa thật sạch, cho vào nồi nấu với 300ml nước cho đến khi còn 100ml thì tắt bếp. Chia ra dùng hết 2 lần trong ngày
Điều trị mụn nhọt: Chuẩn bị: 15g lá lốt, 15g lá ráy, 15g cây chanh, 15g lá chanh, 15g lá tía tô. Cây chanh bỏ vỏ bên ngoài, phơi khô rồi giã nhỏ để rắc lên tổn thương trên da. Các nguyên liệu còn lại thì rửa sạch, giã nhỏ rồi đắp lên vùng da bị mụn nhọn. Áp dụng mỗi ngày 1 lần, sau khoảng 3 ngày thì sẽ khỏi.
Giải cảm: Chuẩn bị: 20 lá lốt, nửa củ hành tây, 5 nhánh hành hương, 1 tép tỏi, 2g gừng, 1 nắm gạo và gia vị. Cho gạo vào nấu cháo như bình thường, khi gạo đã nở thì cho các nguyên liệu vào. Ăn khi còn nóng và lau phần mồ hôi đi.
Nhưng lưu ý không nên ăn lá lốt khi bị đau dạ dày, táo bón hoặc nhiệt miệng. Không ăn khi lợi hàm sưng đỏ, môi nẻ, lưỡi khô.
Minh KhuêBạn đang xem bài viết Công dụng tuyệt vời của lá lốt đối với sức khỏe mà ít người biết đến tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].