Theo số liệu của Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) và ước tính của ghi nhận ung thư Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Nghĩa là trung bình mỗi ngày có khoảng 257 người tử vong vì ung thư.
Các loại ung thư phổ biến ở nam giới Việt Nam là ung thư phổi, gan, dạ dày, đại trực tràng và vòm họng.
Trong khi đó, ung thư phổ biến ở nữ giới là ung thư vú, ung thư phổi, gan, cổ tử cung và tuyến giáp.
Phần lớn người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém.
PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K khẳng định, các bệnh ung thư đến nay nếu được phát hiện sớm hoàn toàn có thể chữa khỏi được.
Ví như với bệnh ung thư vú, nếu phát hiện ở giai đoạn 1 thì tỷ lệ điều trị thành công 95 %, giai đoạn 2 tỷ lệ khoảng 70 - 75%, giai đoạn 3 tỷ lệ chữa khỏi đạt 65 %, nhưng đến giai đoạn 4 thì chỉ đạt được 5% tỷ lệ thành công.
Người bệnh ung thư không những chịu đựng nỗi đau về thể chất mà còn chịu stress tâm lý nặng nề.
Điều trị ung thư thường là kết hợp đa dạng phương pháp và rất tốn kém. Vì vậy, nhiều người bệnh và gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Do đó, để giảm tỷ lệ tử vong do ung thư, giảm chi phí chữa bệnh, người dân nên có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện và điều trị sớm bệnh.
Theo GS. Peter Boyle, Viện trưởng Viện nghiên cứu y học dự phòng Lyon Pháp, bệnh ung thư sau khi được điều trị cần phải được theo dõi và điều trị suốt quãng đời còn lại để bệnh ổn định trong thời gian dài.
GS. Peter Boyle cũng cho biết có 4 lĩnh vực được đưa vào lồng ghép trong tầm soát điều trị ung thư gồm:
- Từng bước phòng chống tất cả các bệnh un thư có thể phòng chống được
- Điều trị cho tất cả các bệnh ung thư có thể điều trị được
- Điều trị khỏi cho các bệnh ung thư có thể chữa khỏi, nhằm giúp người bệnh sống thọ như những người bình thường.
- Cung cấp dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ đau đớn cho bệnh nhân ung thư
Tại Việt Nam cũng đã có nhiều thành tựu trong công tác phòng chống ung thư như nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống và phát hiện sớm ung thư, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tăng 5 – 10% tỷ lệ bệnh nhân ung thư được phát hiện sớm.
Đồng thời giảm tỷ lệ tử vong của một số loại ung thư như ung thư vú, cổ tử cung, khoang miệng, đại trực tràng; nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư.
Nhưng đa số người bệnh phát hiện và đến bệnh viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn khiến các biện pháp truyền thông và khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Công bố mới: Mỗi ngày Việt Nam có khoảng 257 người chết vì mắc ung thư tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].