Với vị thế của nhà đương kim vô địch, ĐT Việt Nam đã bước đến AFF Cup 2010 với một sự tự tin, nhất là khi được thi đấu vòng bảng trên sân nhà Mỹ Đình. Vượt qua Myanmar ấn tượng 7-1, bất ngờ ngã ngựa 0-2 trước Philippines và thắng sát nút Singapore 1-0 đã giúp cho thầy trò HLV Henrique Calisto lọt vào bán kết.
Việc Thái Lan bất ngờ bị loại từ vòng bảng khiến cho những dự đoán về khả năng bảo vệ thành công ngôi vương Đông Nam Á của "Những ngôi sao vàng" càng có cơ sở. Tuy nhiên, trong bóng đá, không phải lúc nào cũng sòng phẳng như một phép toán.
Đụng độ ĐT Malaysia ở 2 trận bán kết AFF Cup 2010, Tấn Trường và các đồng đội mang theo một món nợ mang tên SEA Games 2009 nơi ĐT U23 Việt Nam đã gục ngã trước U23 Malaysia 0-1 ở chung kết sau bàn phản lưới nhà của Mai Xuân Hợp. Và hơn ai hết, thủ thành gốc Đồng Tháp là người hiểu những chiêu trò, mánh khoé của người Mã trong những trận đấu quan trọng.
Trận bán kết lượt đi tại Bukit Jalil ngày 15/12/2010 cho đến nay vẫn là một ký ức buồn cho riêng Tấn Trường và cả NHM Việt Nam.
Mọi chuyện bắt đầu từ những tia laser mà các CĐV trên khán đài rọi vào mắt của các cầu thủ Việt Nam và đặc biệt, người Malaysia dành sự quan tâm đặt biệt đến đôi mắt của thủ thành Tấn Trường. Về sau, thủ thành này vẫn nhớ như in những giây phút phải thở một bầu không khí ngột ngạt, tai nghe những tiếng hò hét cổ vũ Malaysia và mắt thì gần như không còn nhìn rõ bóng. Anh chia sẻ: "Ngoài đủ loại âm thanh đầy kích động từ 4 phía khán đài, họ còn đốt pháo ngay phía sau khung thành của đội tuyển Việt Nam. Đứng trước cầu môn tôi luôn có cảm giác gai gai phía sau gáy bởi những tiếng nổ đùng đoàng như bắn súng.
Tôi không đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan, đấy là tình huống tôi đã không có sự tập trung cao nhất. Nhưng những ánh đèn laser liên tục chiếu vào mặt khiến mắt tôi bị lóa đi giống như đối diện với một chiếc xe chạy người chiều nên không phán đoán được đường bay của trái bóng dẫn đến phản xạ sai."
Để rồi hệ quả của những tia laser đó đã phát huy tác dụng theo đúng cách mà đội chủ nhà mong muốn. Phút 60, Safee Sali bật cao đánh đầu đưa bóng bay thẳng về phía vị trí Tấn Trường đã lựa chọn và với đôi mắt không còn nhìn thấy rõ, thủ thành số 25 đã bắt hụt bóng trong gang tấc, chấp nhận bàn thua đầu tiên.
Đây có thể xem là một bước ngoặt của trận đấu khi ở những phút đầu trận, ĐT Việt Nam vẫn đều đặn lên bóng và uy hiếp khung thành đối phương. Nhưng sau bàn thắng được tiếp tay bởi những tia laser, Minh Phương và các đồng đội đã chùn xuống và nhận tiếp bàn thua thứ 2 ở phút thứ 79, người ghi bàn lại là Safee.
Thất bại 0-2 trong lần đầu tiên đá tại Bukit Jalil ở 1 trận knock out của 1 kỳ AFF Cup, NHM Việt Nam và thủ thành Tấn Trường sẽ mãi nhớ đến nó như một ký ức buồn. Để rồi nỗi đau càng thêm sâu khi ở trận lượt về tại Mỹ Đình, chúng ta đã không ghi được bàn thắng nào và đành dừng chân tại bán kết.
Ký ức ở trận bán kết lượt đi tại Bukit Jalil được ví như một cơn ác mộng, vì những điều "thực" không thể làm chúng ta e sợ mà một bàn tay "ảo", một bàn tay chiêu trò đã mang đến sự ám ảnh và nỗi đau khôn xiết. Tấn Trường vẫn cứ nhắc nhở các cầu thủ đàn em phải thật sự cẩn thận và chắt chiu cơ hội mỗi khi gặp Malaysia, vì anh hiểu Hổ Mã Lai và những người yêu mến họ ranh mãnh như thế nào.
Đăng Huy (Theo Bóng Đá)
Bạn đang xem bài viết 'Cơn ác mộng' Bukit Jalil: Tấn Trường và màn tra tấn của CĐV Malaysia tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].