Xuất hiện vết sưng bầm tím trên da, tưởng con bị bạo hành, không ngờ mắc căn bệnh mà cứ 10 nghìn trẻ có 2 trẻ bị

Sự xuất hiện đột ngột của các vết sưng bầm tím ở tay và chân trẻ khiến nhiều cha mẹ nghĩ con bị bạo hành, nhưng thực tế trẻ lại mắc phải căn bệnh hiếm gặp, cứ 10 nghìn trẻ có 2 trẻ mắc.

Mới đây, khoa Nhi, BV TP Thủ Đức có tiếp nhận một trường hợp bé trai hơn 3 tuổi, nhập viện vì xuất hiện các vết sưng bầm tím trên da.

Được biết, trước nhập viện 1 ngày, sau khi đi học về, trẻ đột ngột nôn và đau bụng dù trước đó khỏe mạnh, kèm theo những mảng bầm rải rác vùng mu bàn tay, chân 2 bên và vành tai. Sau đó trẻ giảm nôn, nhưng không chịu ăn uống, ôm bụng quấy.

Người nhà thấy bé có vết sưng bầm tím nhiều ở tay chân kèm theo sưng mắt phải, sưng nề vùng bìu, than đau tay chân và quấy khóc nên đưa bé đến bệnh viện thăm khám và được nhập viện để theo dõi. Sau nhập viện, trẻ xuất hiện thêm các mảng bầm nhỏ rải rác 2 cẳng chân, đau khớp, đau bụng nhiều hơn.

Trẻ đột nhiên xuất hiện các vết sưng bầm tím trên da, coi chừng mắc bệnh hiếm gặp

Trẻ đột nhiên xuất hiện các vết sưng bầm tím trên da, coi chừng mắc bệnh hiếm gặp

Tại khoa Nhi, BV TP Thủ Đức, qua thăm khám và điều tra bệnh sử cũng như tiền căn, đánh giá tâm lý, các bác sĩ nhanh chóng loại trừ tình huống trẻ bạo hành. Kết hợp các xét nghiệm máu, hình ảnh học và xét nghiệm nước tiểu để loại trừ các bệnh lý về máu, nhiễm trùng, bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc bệnh ban xuất huyết Henoch – Schonlein hay còn được gọi là bệnh lý viêm mạch máu IgA.

Trẻ được điều trị với thuốc corticoid dạng tiêm sau đó tình trạng cải thiện được chuyển sang uống thuốc. Quá trình điều trị trẻ đáp ứng tốt, hết đau bụng, hết đau khớp, ban xuất huyết giảm dần. Trẻ được xuất viện và tái khám theo hẹn.

Theo các bác sĩ, bệnh lý viêm mạch máu IgA là bệnh lý viêm mạch máu hệ thống thường gặp nhất ở trẻ em, khởi phát ở lứa tuổi từ 3 – 15 tuổi. Cứ 10.000 trẻ thì có 2 trẻ mắc bệnh lý này.

Đa số biểu hiện ban xuất huyết da dễ nhầm lẫn với viêm mô tế bào hoặc ban xuất huyết giảm tiểu cầu hay bệnh lý khác nên cha mẹ chú ý không tự ý mua thuốc cho con mình uống, mà phải đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được khám, nhận định bệnh chính xác và điều trị thích hợp.

Bệnh lý viêm mạch máu hệ thống trẻ em thường được chẩn đoán chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng như:

- Tổn thương da: Các tổn thương da có thể gặp như ban xuất huyết (đè vào không mất), chấm xuất huyết, bầm máu, thường xuất hiện các tổn thương ở vùng chịu trọng lực như chân, mông, đôi khi ở dái tai, cơ quan sinh dục ngoài.

- Trẻ bị đau khớp: thường là khớp gối, cổ chân. Có thể đau dữ dội nhưng không biến dạng khớp và không di chứng.

- Tổn thương tiêu hóa: Trẻ bị đau bụng, ói, đi ngoài phân đen, phân có máu

- Tổn thương ở thận: Đây là tổn thương nguy hiểm đối với trẻ vì có thể dẫn tới bệnh thận mạn tính.

Ngoài ra trẻ có thể gặp phải tổn thương ở các cơ quan khác. Quá trình điều trị chủ yếu là giảm đau khớp và đau bụng, theo dõi các biến chứng nặng tại đường tiêu hóa (lồng ruột, thủng ruột...).

Tiên lượng bệnh thường tốt nếu không có tổn thương thận. Vì vậy, điều quan trọng nhất là cần theo dõi tổn thương thận. Bởi tổn thương thận có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào của bệnh. Do đó, cha mẹ phải đưa con đi tái khám theo hẹn của bác sĩ để kiểm tra huyết áp và xét nghiệm nước tiểu kể cả khi thấy trẻ đã hồi phục hoàn toàn. Thời gian theo dõi ít nhất là 6 tháng đầu sau khi khởi bệnh.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính