Cô gái Mường từ chối công việc Giám đốc với lương nghìn đô để trở thành ‘cô giáo làng'

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa tặng Bằng khen cho cô giáo trẻ Hà Ánh Phượng (trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) khi nữ giáo viên trẻ là 1 trong 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu được Tổ chức giáo dục toàn cầu Varkey Foundation vinh danh.

Từ chối việc tại Hà Nội để trở thành cô giáo làng

Ngày 11/11/2020, nữ giáo viên Hà Ánh Phượng (GV tiếng Anh, trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) vui mừng khi lọt vào danh sách 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu do Tổ chức giáo dục toàn cầu Varkey Foundation vinh danh. Cô giáo Phượng là nữ giáo viên đầu tiên của Việt Nam lọt vào danh sách này.

“Tôi thực sự rất hạnh phúc vì những nỗ lực, cống hiến của bản thân tôi được ghi nhận. Tôi vui mừng khi góp phần nhỏ tạo dấu ấn của ngành giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế. Đây cũng là nguồn động lực lớn lao để tôi tiếp tục làm tốt công việc của mình” – cô Phượng bộc bạch với PV Gia Đình Mới.

Ít ai biết, Hương Cần là 1 xã miền núi khó khăn của huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Xã có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, nên ngôi trường của cô Phượng giảng dạy cũng có tới 80% học sinh người dân tộc thiểu số. Điều kiện kinh tế nơi đây còn rất nghèo.

  Cô giáo Hà Ánh Phượng (giữa) quyết định từ chối nhiều cơ hội để trở thành giáo viên làng.

Cô giáo Hà Ánh Phượng (giữa) quyết định từ chối nhiều cơ hội để trở thành giáo viên làng.

“Khi mới ra trường, tôi là 1 giáo viên, 1 phiên dịch viên được tham gia phiên dịch cho nhiều sự kiện của các đơn vị đến từ 18 quốc gia.

Trước khi quyết định về trường THPT Hương Cần dạy học, tôi đã nhận được lời mời làm Giám đốc một công ty dược nước ngoài với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên tôi từ chối vì muốn được trở về quê hương làm việc, được thực hiện ước mơ làm cô giáo từ khi còn nhỏ.

Bạn bè tôi ngạc nhiên với quyết định này. Họ cảnh báo tôi về sự nghèo nàn và tụt hậu, bởi họ gọi nơi tôi tới làm việc là nơi “xó xỉnh”.

Cô bảo, họ nói không sai đâu bởi xã nhà còn nghèo thật. Nhưng cô có quan điểm của riêng mình. Công tác tại nơi khó khăn, cô nghĩ mình sẽ có cơ hội biết được khả năng thực sự của bản thân mình. Và cô không thay đổi quyết định. Cô đã từ chối những lời mời làm việc hấp dẫn, mức lương cao để theo học Thạc sĩ và trở thành cô giáo làng cho đến ngày hôm nay. 

2 lý do đặc biệt để quyết định trở thành cô giáo làng

Cô Phượng chia sẻ, có hai lý do khiến cô quyết định trở thành một cô giáo. Thứ nhất đó là niềm đam mê, bởi lẽ được dạy học đã là niềm mơ ước từ nhỏ. Ước mơ ấy xuất phát từ lần Phượng được xem một phóng sự thực hiện về những giáo viên vùng cao, những người đã phải đến từng nhà học sinh thuyết phục phụ huynh cho con đi học và đã vượt qua nhiều vất vả để dạy được những học trò thành người.

“Hình ảnh những người thầy cô trong phóng sự ấy khiến tôi ngưỡng mộ và nể phục những người thầy cô giáo, tôi bắt đầu hiểu được công việc giản dị, cao quý của người giáo viên. Tôi quan niệm rằng, giáo dục có thể thay đổi được tất cả, thế nên tôi mong muốn được trở thành cô giáo- cô giáo Phượng nhớ lại.

Ước mơ làm cô giáo của cô bé Phượng được chắp cánh từ người bố thân yêu của mình. Biết con gái thích làm cô giáo, bố cô đã chặt gỗ về, ghép thành tấm bảng để con gái được thử làm cô giáo đứng trên bục giảng. Bố Phượng còn nhiều lần đi cả quãng đường dài 20km chỉ để mua cho con gái 1 cuốn sách tham khảo.

“Những điều bố làm cho tôi thật giản dị, nhưng khiến tôi vui và có thêm động lực để cố gắng”.

  Ước mơ trở thành cô giáo có từ thuở nhỏ.

Ước mơ trở thành cô giáo có từ thuở nhỏ.

Lý do thứ hai, cô luôn cho rằng mình nhận được nhiều "món nợ ân tình" của quê hương, vì vậy cần quay về để trả món nợ ân tình ấy. Cô học cấp II, cấp III ở trường dân tộc nội trú, trường nội trú là trường mà các anh em dân tộc thiểu số sẽ ở cùng với nhau ở trong trường và học sinh không về nhà.

Đặc thù của trường dân tộc là sau khi đã vào đến trường rồi thì thầy cô giống như là cha mẹ và bạn bè thì giống như anh em. Mọi hoạt động học tập, chi phí sinh hoạt tôi và học sinh ở đây đều được nhà nước chi trả.

"Suốt bao nhiêu năm ăn học như vậy, tới khi tôi vào đại học thì tôi cũng không phải đóng tiền học phí. Khi ra trường, đi làm, tôi cũng được đặc cách vào biên chế nhà nước. Về quê để làm cô giáo - đây chính là cách để tôi có thể trả món nợ ân tình mà từ trước đến nay tôi nhận được từ quê hương, từ Đảng và nhà nước", cô giãi bày.

Từ những năm học cấp 2, cấp 3, nữ sinh Hà Ánh Phượng luôn là học sinh giỏi. Năm học cấp II, cấp III, Phượng tham gia học tập tại trường dân tộc nội trú ở huyện và tỉnh. Năm 2009, Ánh Phượng đạt học bổng Hoa Trạng nguyên, đây giải thưởng dành cho thủ khoa tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Tân Tạo trao tặng.

Sau nhiều năm cố gắng học tập, Phượng thi đỗ Trường Đại học Hà Nội với khao khát được đóng góp công sức của mình cho sự nghiệp giáo dục. Trong thời gian học đại học, Phượng vừa học, vừa đi làm thêm. Năm 2011, cô là một trong những sinh viên xuất sắc ở châu Á đạt học bổng tiềm năng lãnh đạo do Viện Giáo dục quốc tế Mỹ IIE trao tặng.

Trở thành giáo viên toàn cầu từ những ‘lớp học không biên giới’

Khi nhận công tác tại trường THPT Hương Cần, với mong muốn các em học sinh ở quê không chỉ nắm chắc kiến thức mà nữ giáo viên trẻ Hà Ánh Phượng còn mong muốn học sinh của mình tiến dần lên công dân toàn cầu.

“Học sinh của tôi là người đồng bào dân tộc thiểu số, tôi nghĩ các em đã có thể nói 2 thứ tiếng thì khả năng học tiếng Anh của các em cũng sẽ tốt, do đó khi dạy học, cô giáo Phượng đã nghĩ đến việc một lớp học vượt ra ngoài những bức tường. Anh ngữ là sinh ngữ, học ngoại ngữ cần môi trường, nếu không nó sẽ không có đất sống” – cô Phượng kể.

  Những học sinh đồng bào dân tộc thiểu số của cô giáo Phượng.

Những học sinh đồng bào dân tộc thiểu số của cô giáo Phượng.

Từ lúc mới về trường, cô giáo Phượng đã bắt đầu thực hiện kết nối những tiết học xuyên biên giới. Lúc ấy, cô vẫn chưa tham gia vào diễn đàn giáo viên sáng tạo.

"Ban đầu, những lớp học xuyên biên giới tôi thực hiện, chủ yếu là kết nối với những người bạn nước ngoài của tôi, không phải 100% đều là giáo viên", Phượng chia sẻ.

“Cho đến khi tôi biết đến diễn đàn giáo viên sáng tạo toàn cầu, lúc đó tôi mới thực sự tạo ra những lớp học xuyên biên giới. Nơi thầy cô khác và học trò ở khắp nơi trên thế giới có thể tương tác với học trò của mình. Nơi bản thân tôi cũng dạy những các em học sinh ở khắp các châu lục để chúng tôi được học hỏi lẫn nhau, mở mang tầm nhìn và sự yêu thương”.

Cô giáo trẻ Hà Ánh Phượng bắt đầu kết nối với cả giáo viên và học sinh ở nước ngoài. Từ đó, lớp học của cô trở thành một lớp học cộng đồng. Với ứng dụng Zoom và Skype, cô Phượng đưa học sinh của mình vào môi trường học tập không biên giới, khắc phục được những hạn chế của mô hình lớp học truyền thống.

Mới đầu học sinh của cô Phượng còn rụt rè, nhút nhát, vẫn đùn đẩy nhau mỗi lúc cô giáo trao cơ hội nói chuyện với người nước ngoài, chỉ dám vẫy tay, nói "Hello". "Khi áp dụng phương pháp mới này, các em học sinh đều thay đổi rất nhiều, hiểu, tiến bộ nhiều hơn”.

Những tiết học tiếng Anh của cô Phượng trở nên hết sức hấp dẫn, học sinh của Phượng được phát triển toàn diện tất cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Khi được áp dụng phương pháp học tập mới, học sinh ở trường THPT Hương Cần đã tự tin hơn và rèn luyện được kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin.

Không chỉ kết nối để giáo viên và học sinh của hai nước nói chuyện với nhau, các giáo viên còn đưa ra các dạng bài tập, ngữ pháp, dự án học tập để học sinh cả hai nước cùng làm. Ngoài ra, giáo viên còn tạo ra hoạt động giao lưu văn hóa, áp dụng những ứng dụng công nghệ thông tin mà cả hai nước đều có thể sử dụng.

  Lớp học không biên giới của cô Phượng kết nối với nhiều học sinh, giáo viên trên toàn thế giới.

Lớp học không biên giới của cô Phượng kết nối với nhiều học sinh, giáo viên trên toàn thế giới.

"Qua việc sử dụng phương pháp mới, cả giáo viên và học sinh đều được 'đi' rất nhiều nước, đồng thời các thầy cô cũng linh hoạt cách kết nối của mình để làm sao học sinh vừa học lại vừa có thể đi du lịch. Các em học sinh hiểu biết thêm rất nhiều kiến thức xã hội về nhiều nước trên thế giới.

Có nhiều trường hợp đặc biệt, do chênh lệch khung giờ giữa các nước, có những giáo viên nước ngoài tình nguyện thức dậy lúc 3 giờ sáng để tham gia cùng lớp mình và tôi luôn trân quý những thầy cô ấy", Phượng bộc bạch.

Từ huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, các học trò của cô Phượng có thể tự tin thuyết trình, giới thiệu về những nét văn hóa đặc trưng dân tộc với các thầy cô và bạn bè người Mỹ qua buổi học trực tuyến.

“Nhờ thế trình độ tiếng Anh của học trò mình được nâng cao rõ rệt. Các con cũng tự tin hơn rất nhiều không chỉ về tiếng Anh mà còn là khả năng thuyết trình, tư duy giao tiếp và mức độ hiểu biết. Các con được giới thiệu với bạn bè thế giới về Việt Nam, về những nét văn hóa đặc sắc của đất nước nói chung và của chính đồng bào dân tộc thiểu số cuả các em. Các em cũng được mở mang nhiều hơn khi giao lưu cùng các bạn trên thế giới bằng tiếng Anh.

Do vậy, tôi thấy lớp học này thật tuyệt khi mang tới tự tin và hiểu biết cho các học trò của tôi, các em biết nhìn ra xem thế giới như thế nào.

Năng lực tiếng Anh của các em cũng được được cải thiện. Không cần visa các em đã du lịch tới 40 nước với bao nhiêu câu chuyện văn hóa thú vị, những tình bạn xuyên biên giới. Tôi tin cái các em học được không chỉ là ngoại ngữ mà là sự tự tin nói chung”.

Giải thưởng giáo viên toàn cầu được Quỹ Varkey (Varkey Foundation) thành lập năm 2014.

Mỗi năm, Ban tổ chức nhận được hàng chục nghìn hồ sơ đến từ nhiều quốc gia (năm 2019 là hơn 10.000, năm 2017 có 30.000 hồ sơ, năm nay chưa công bố).

Một giáo viên có đóng góp đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực giáo dục sẽ được lựa chọn để nhận giải thưởng trị giá một triệu USD.

Năm ngoái, giải thưởng này thuộc về một thầy giáo nghèo ở Kenya, tên Peter Tabichi nhờ những đóng góp vật chất và tinh thần giúp học trò nghèo đi thi đạt giải quốc tế. Việt Nam có cô giáo Trần Thị Thúy (trường THPT Đức Hợp, Hưng Yên) vào top 50.

V.Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính