Hà Anh là một người mẫu chuyển giới tự do, hôm nay cô gái có 2 show biểu diễn ở Thái Hà và Lý Quốc Sư. Mặc trên người một chiếc áo dài thổ cẩm lộng lẫy, đầy quý phái và quyền lực. Hà Anh không giấu được vẻ hạnh phúc khi hôm nay cô làm người mẫu mở màn cho chương trình:
- “Mỗi lần trên sân khấu, em được là chính em, Hà Anh”
Ngày xưa tớ là Long
Ngay từ nhỏ Long đã thích chơi với các bạn nữ, chơi các trò gái như nấu ăn, búp bê… Sự thanh tú trong ngoại hình, nhẹ nhàng trong lời ăn tiếng nói của cậu bé ngày nào là những dấu hiệu đầu tiên của một con người khác trong Long.
Những năm tháng cấp 3, Long đã nhận ra mình đang sống trong một hình hài không phải chính mình. Những suy nghĩ về việc “chuyển giới” bắt đầu nhen nhói trong suy nghĩ. Một mình bắt xe lên Hà Nội, Long tìm đến cộng đồng người chuyển giới qua chị Mai Châu (hiện tại là trưởng mạng lưới người chuyển giới Việt Nam) tham gia các chương trình tập huấn, họp nhóm của người chuyển giới. Nhìn những người chuyển giới trong nhóm, Long đã ao ước một ngày không xa được làm con gái như vậy. Và hành trình tìm lại chính mình mới thực sự bắt đầu…
Long đỗ Đại học. Ngày lên Hà Nội học, Long biết rằng mình sẽ bắt đầu một cuộc hành trình mới tại đây: đi tìm chính mình.
“Kết thúc năm nhất đại học, mình bắt đầu thay đổi ngoại. Mình đã đi nối tóc, ăn mặc như con gái, mua những bộ váy hoa, quần áo thật nữ tính. Cảm giác lúc ấy nhận ra phải chăng đây mới chính là mình. Mình thực sự hạnh phúc và tự tin trong hình dạng một cô gái”.
Gần tết, khi tất cả các sinh viên về quê ăn tết cùng gia đình, Long về muộn hơn mọi người. Trong đầu đấu tranh tư tưởng, mình về trong hình dạng này liệu bố mẹ có sốc và không chấp nhận không, phải làm gì để mọi người chấp nhận, không được thì mình sẽ phải làm gì. Bao suy nghĩ, lo lắng giằng xé trong suy nghĩ. Nhưng cuối cùng, Long đã quyết định mình phải về. Chuẩn bị sẵn tâm lý đối mặt với bố mẹ nhưng cũng rất hồi hộp và lo lắng.
Long đã nhắn tin cho bố trước: “Bố ơi, con là con gái về nhà”. Bố đã không nhắn lại. Buổi tối đầu tiên về nhà trong hình hài một người con gái, cả nhà căng như dây đàn: “Tại sao mày lại thay đổi như thế này, ra chợ người ta chỉ trỏ, không biết giấu mặt đi đâu”. Sự giận dữ và những giọt nước của bố mẹ khi nhìn thấy con trong hình hài khác lạ, cả nhà chỉ im lặng.
Mẹ thì khuyên Long đi cắt tóc trở lại thành con trai, bố thì hứa đưa đi mua quần áo đẹp. Trong lòng bố mẹ Long vẫn nghĩ Long là một đứa trẻ, chiều con thì sẽ bỏ việc làm con gái, con bị a dua theo các bạn, con sẽ thay đổi. Bố mẹ vẫn mắng vừa khuyên với hy vọng sẽ trở lại thành con trai bình thường.
Tết năm đầu tiên trong hình hài một người con gái, coi như một cái tết buồn. Long không dám đi đâu, mọi người đến chơi cũng chỉ trốn ở trong nhà vì sợ mọi người bàn tán, bố mẹ lại khó xử.
“Lúc đó, ở nhà chỉ biết khóc. Có đêm nằm nghĩ buồn, tủi thân mà khóc. Cũng thương lắm vì làm bố mẹ buồn và nghe nhiều lời không hay vì mình”.
Từ khi làm con gái, gia đình Long đã thay đổi. Không khí nặng nề, ngột ngạt, căng thẳng bao trùm lên căn nhà nhỏ. Long ít về nhà hơn, Long sợ đối diện với ánh mắt của bố mẹ, đối mặt với những lời bàn tán của họ hàng.
Có lần, một bác họ ngồi cùng và bàn tán với mọi người trong họ, cố tình Long nghe thấy. “Thằng kia ra Hà Nội học, bây giờ về trai chẳng ra trai, gái không ra gái. Người thì ẻo lả, nhìn có kinh không. Ở làng ở quê ai người ta như thế, đi ra ngoài thành phố, học tập đua đòi”.
Long sợ những câu nói đó làm người khác hiểu nhầm, họ hàng sẽ nghĩ Long làm những cái hư hỏng, không tốt. Đơn độc, tủi hổ khi chính người họ hàng đang tự giùm bỏ mình. Long luôn muốn tìm được sự thông cảm và chia sẻ từ người thân. Vì cậu biết, người chuyển giới ngoài xã hội ít được chấp nhận, gia đình là niềm tin duy nhất của họ trên hành trình bước ra từ bóng tối.
Càng ngày Long càng cảm thấy phần “con gái” trong bản thân lớn dần. Có lẽ, đã đến lúc tạm biệt Long của ngày xưa để tìm một hình hài của chính mình. Long bắt đầu dùng hoocmon nữ, duy trì cho bản thân nữ tính hơn, đồng thời dùng kế “mưa dầm thấm lâu” để thuyết phục bố mẹ. Những cuốn tài liệu, sách, truyện về người chuyển giới được để ở phòng bố mẹ sau mỗi lần về quê.
Bây giờ, tớ là Hà Anh
Từ Long đến Hà Anh của hiện tại là một hành trình dài. Gia đình Long đã dần chấp nhận sự xuất hiện của cô gái mang tên Hà Anh.
Trong ngày sinh nhật tròn 20 tuổi, có một điều Hà Anh hạnh phúc nhất. Đó là dòng tin nhắn của bố: “Chúc sinh nhật con gái của bố”. Đọc xong, Hà Anh đã khóc. Cô gái khóc cho cả quãng thời gian dài đối mặt với sự cô độc, buồn tủi. Trong đó, có cả những giọt nước mắt hạnh phúc, lần đầu tiên bố gọi hai tiếng “con gái”.
Dù đã được bố mẹ chấp nhận, nhưng Hà Anh vẫn muốn gửi đến bố mẹ một lời xin lỗi. “Con xin lỗi, con đã đi theo con đường con lựa chọn, con nghĩ đây mới đúng là chính mình. Con mong bố mẹ ủng hộ con”.
“Mỗi lần nhìn vào mắt mẹ, Hà Anh vẫn cảm nhận được những hy vọng nhỏ nhoi của mẹ với việc mình trở về là một người con trai. Nhưng, mình tin mình đã chọn đúng. Mình cứ cố gắng sống tốt, làm những việc có ích cho cộng đồng, dần dần bố mẹ sẽ hiểu và ủng hộ mình”.
Chia sẻ về những trải nghiệm sau khi sử dụng hoocmon nữ, Hà Anh chia sẻ quá trình sử dụng đã làm cơ thể yếu đi rất nhiều và mắc chứng hay quên. Mỗi tuần một mũi tiêm, những thay đổi trong cơ thể dần làm Hà Anh nhận ra mình đang có được những điều mà bản thân mong ước suốt nhiều năm qua. Tuy đau đớn, nhưng cô gái cảm thấy hạnh phúc khi cô gái Hà Anh đang dần hoàn thiện.
Nhìn mình trong gương, vuốt mái tóc dài, tô son lên bờ môi của hiện tại, những cảm xúc nữ tính đầy dịu dàng khiến Hà Anh bật khóc. Sự nhạy cảm của một người con gái đã dần chiếm lĩnh bản ngã.
“Long của quá khứ và giờ tớ là Hà Anh của hiện tại. Một người con gái”
Hiện tại, Hà Anh đang là một người mẫu tự do, vừa đi học vừa đi làm để trang trải cuộc sống ở Hà Nội và chuẩn bị phẫu thuật chuyển giới. Với cô, sân khấu là thánh đường, là nơi cô được sống là chính mình. Ngoài ra, cô còn làm thêm như bưng bê, bán quần áo và tham gia các hoạt động cộng đồng.
Nhìn lại cả một hành trình dài đã trải qua, Hà Anh cảm thấy nó đáng, khi cô đánh đổi để sống với chính mình. Sắp tới, cô gái ấy sẽ chuẩn bị bước vào một chặng đường mới: phẫu thuật chuyển giới. Chịu những đau đớn của dao, kéo để đổi lấy niềm hạnh phúc được là chính mình.
“Trôi qua cơn mơ niềm đau rất thật
Có bình yên nào không xót xa”.
Hà Anh buông vài câu hát sau một ngày dài chạy show. Có lẽ sau cơn mơ thôi, cô ấy sẽ là một người khác. Sẽ là cô gái thực sự mang tên Hà Anh…
Tuệ MinhBạn đang xem bài viết Cô gái chuyển giới Bắc Giang: ‘Từ Long đến Hà Anh là một hành trình dài’ tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].