Mẹ đăng ảnh phạt con đi bộ 7km đến trường để "răn đe"
Một bà mẹ (xin phép được giấu tên) ở Ontario (Canada) đã bắt hai cậu con trai đi bộ 7 km đến trường mang theo tấm biển "Vì hư và hỗn với tài xế xe buýt nên chúng cháu bị mẹ bắt đi bộ" để phạt vì cả hai đã cư xử hỗn với người tài xế, sau đó đăng tải hình ảnh này lên mạng xã hội.
Bài đăng trên Facebook của bà mẹ này đã nhanh chóng gây sốt và nhận được sự chú ý của truyền thông quốc tế.
Người mẹ cho biết cô làm điều này sau khi nhận được điện thoại từ trường học của hai cậu con trai thông báo việc cả hai đã cư xử không đúng trên xe buýt đưa đón học sinh và nếu tiếp tục tái phạm sẽ có hình thức kỷ thuật.
Người mẹ quyết định cho con đi bộ cùng với mình để các con phải biết ơn khi được đi xe buýt chứ không coi đó là quyền tất nhiên của mình. Cô không ngờ việc làm của mình lại thu hút nhiều sự chú ý đến thế.
Cách dạy con trân trọng việc được đi xe buýt thì không có gì sai, tuy nhiên việc cô đăng câu chuyện này lên Facebook mới là thứ gây tranh cãi.
Thực tế người mẹ này không phải là người duy nhất đăng tải chuyện xấu của con lên MXH để "răn đe" con cái. Có tới hơn 30.000 video trên YouTube là video các ông bố bà mẹ đăng để bêu xấu con với mục đích "dạy dỗ" trẻ.
Đăng ảnh, bêu riếu con trên mạng xã hội gây hậu quả thế nào?
Tuy nhiên theo các chuyên gia, hành vi bêu riếu con cái công khai như vậy không hề có hiệu quả kỷ luật để điều chỉnh hành vi con trẻ, ngược lại có thể để lại ảnh hưởng lâu dài cho sự tự tin của trẻ.
Chuyên gia làm cha mẹ Alyson Schafer cho rằng, hành vi bêu riếu trẻ như vậy là một loại hình bắt nạt cần phải dừng ngay lập tức.
Cô cho biết, cách kỷ luật con cái như vậy phản ánh lối tư duy sai lầm của cha mẹ, tin rằng nếu khiến trẻ cảm thấy tội lỗi thì trẻ sẽ không lặp lại hành vi sai trái nữa.
"Thật không may, cách kỷ luật này không hề hiệu quả", chuyên gia Schafer nói.
"Khi chúng ta sử dụng những cách để trừng phạt - mà trong trường hợp này là trừng phạt cực lớn vì bêu riếu nơi công cộng và làm nhục trẻ - thì sẽ chỉ càng chia cắt tình cảm giữa cha mẹ và con cái.
Không những thế nó còn hủy hoại sự tự tin của trẻ và gây tổn thương tâm hồn."
Charles Helwig, giáo sư tâm lý tại Đại học Toronto cho biết các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc "kiểm soát tâm lý", cố gắng cải thiện hành vi có quan hệ với gia tăng trầm cảm và lo lắng ở trẻ.
Trẻ con 5 tuổi đã bắt đầu quan tâm đến danh dự của mình
Giáo sư Helwig cho biết: "Tôi không thích đổ lỗi thẳng cho vị phụ huynh này. Phụ huynh có thể làm những điều mà họ cho là tốt nhất cho con... Rõ ràng người mẹ này quan tâm đến hành vi ứng xử của con và cho rằng đây là cách tốt để kiểm soát hành vi."
Tuy nhiên một khi bạn đã đăng lên MXH, thông tin sẽ lan ra và một số thứ có thể quay lại ám ảnh con bạn suốt cả cuộc đời.
Bạn sẽ không thể rút lại và xóa bỏ hoàn toàn những gì đã đưa lên Facebook. Do đó nó có thể gây hại cho trẻ, khiến trẻ xấu hổ.
Nghiên cứu hồi tháng Ba trên tạp chí Trends in Cognitive Sciences cho thấy, trẻ con 5 tuổi đã bắt đầu quan tâm đến danh dự của mình.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy trẻ em sẽ thay đổi hành vi của chúng theo cách mà chúng cho là sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của mình.
Chuyên gia Schafer cho biết, nếu một đứa trẻ cảm thấy tội lỗi về một hành vi nào đó mà chúng bị trách mắng, chúng sẽ không phân biệt được giữa việc khiển trách hành vi đó và cá nhân mình.
Kết quả là đứa trẻ sẽ cảm thấy mình không được thương yêu, và từ đó tác động đến quan niệm về bản thân của trẻ.
"Trẻ em nhìn vào cha mẹ để biết mình được yêu thương và biết được giá trị của mình. Còn khi bị bêu riếu, trẻ sẽ nghĩ "Mình là đứa trẻ xấu".
Trong chuyện tư vấn gia đình, chuyên gia Schafer cho biết, mục tiêu là phải tách biệt "hành vi và người làm".
Các chuyên gia luôn khuyến khích cha mẹ nói những câu như "Bố mẹ yêu con, nhưng bố mẹ không thích việc con đánh bạn" hay "Bố mẹ yêu con, nhưng bố mẹ không thích cách con cư xử với bác lái xe buýt đâu."
Muốn con sửa sai, trước tiên phải biết nguyên nhân tại sao con làm vậy
Một cách mang tính xây dựng hơn khi trẻ mắc lỗi là cha mẹ phải thảo luận, trao đổi về nguyên nhân, động cơ của hành vi.
Tại sao con cư xử bất lịch sự như vậy, có phải để gây ấn tượng với bạn bè? Hay con muốn cho mọi người thấy mình hơn người?
Tóm lại cần tìm ra cơ sở tâm lý, động cơ của đứa trẻ rồi giúp trẻ hiểu,... theo cách làm mang tính xây dựng đối với con trẻ.
Giáo sư Helwig cũng đồng ý rằng cha mẹ cần học những cách thay thế, có lợi hơn và hiệu quả về lâu về dài hơn để dạy con.
Giáo sư cho biết trẻ em sẽ phản hồi tích cực hơn nếu cha mẹ giải thích lý do tại sao một hành vi nào đó lại là sai trái và không chấp nhận được.
Hãy để trẻ đứng trên quan điểm của người chịu hành vi đó và hỏi con: "Nếu người khác làm vậy với con, con sẽ thấy sao?"
Giáo sư cũng khuyên rằng: "Trong trường hợp hành vi xấu vẫn tiếp diễn hoặc có xu hướng xấu hơn, mở rộng hơn và không thể kiểm soát, cha mẹ nên hỏi ý kiến chuyên gia, vì nó có thể phản ánh đang có chuyện gì đó xảy ra."
Hoàng Nguyên (lược dịch theo CBC)Bạn đang xem bài viết Chuyên gia Canada: 'Đăng ảnh Facebook để phạt con sẽ khiến trẻ ám ảnh cả đời' tại chuyên mục Trẻ em của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].