Mỗi bài giảng là sản phẩm cùng sáng tạo của cả UPenn và VinUni
- Đã 5 năm từ ngày VinUni chính thức bắt tay với “người khổng lồ” UPenn. Nhớ lại những ngày đầu tiên ấy, UPenn và VinUni đã cùng nhau xây dựng chương trình điều dưỡng ra sao, thưa TS?
Phải nói rằng UPenn hỗ trợ chúng tôi rất toàn diện, từ xây dựng tiêu chuẩn, quy trình tuyển sinh tới khuyến nghị về chiến lược phát triển giảng viên, tiêu chuẩn lựa chọn giảng viên. Ngoài ra, UPenn đã cùng VinUni xác định chuẩn đầu ra, xây dựng khung chương trình, phát triển tài liệu dạy, học chi tiết.
VinUni và UPenn muốn một chương trình đúng chuẩn của Mỹ từ nội dung, phương pháp dạy-học tới kiểm định và thi chứng chỉ hành nghề. Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi gặp phải là làm thế nào để hòa hợp được sự khác biệt về môi trường đào tạo điều dưỡng giữa hai quốc gia.
Chương trình đào tạo Cử nhân Điều dưỡng của Mỹ đã bắt đầu từ năm 1923. Trong khi đó, phải tới năm 1996, Việt Nam mới có chương trình đại học điều dưỡng chính quy. Yêu cầu về chuẩn đầu ra của Điều dưỡng Mỹ rất cao, các quy định về đào tạo cũng ngặt nghèo.
Để vượt qua, chúng tôi chọn một thách thức lớn hơn: Hai bên cùng “may đo” chương trình phù hợp với thực tế của Việt Nam. Chúng tôi thành lập nhóm xây dựng chương trình mà ở đó mỗi học phần đều được xây dựng bởi ít nhất hai giảng viên, một của UPenn, một của VinUni.
Đây là một trải nghiệm thú vị. Bạn thử tưởng tượng giảng viên của một ngôi trường mới “ra đời” tranh luận với giáo sư trường Điều dưỡng số 1 thế giới một cách bình đẳng cả chuyên môn và phương pháp sư phạm, không hề dễ dàng nếu cả hai bên không thực sự tôn trọng và cầu thị. Vậy mà chúng tôi làm được! Từ đó tới nay, mỗi bài giảng của VinUni luôn là sản phẩm của sự tương tác và đồng thuận của cả UPenn lẫn VinUni.
- Điều gì ở UPenn mà ông đã học hỏi được?
Tôi may mắn được Giáo sư Julie Sochalski, nguyên Điều dưỡng trưởng Quốc gia Mỹ - Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo của trường Điều dưỡng UPenn trực tiếp huấn luyện và đồng hành 5 năm qua. Không chỉ là tình thầy trò, chúng tôi còn là đồng nghiệp và những người bạn thân.
Cô Julie có tư duy hệ thống chiến lược rất tốt, tư duy đào tạo theo thực chứng rất mạnh mẽ. Những lời khuyên và câu hỏi của cô luôn khiến tôi nghĩ khác đi.
Ví dụ, khi nói về chính sách cho điều dưỡng, tôi đặt câu hỏi rằng nguyên nhân gì khiến Việt Nam thiếu điều dưỡng như hiện nay. Cô không hỏi như vậy. Thay vào đó, tôi được nhận hai con số về tình hình thiếu điều dưỡng 20 năm trước và tình hình thiếu điều dưỡng hiện tại, kèm theo đó là câu hỏi: Điều gì khiến suốt 20 năm qua chúng ta vẫn thiếu điều dưỡng, tại sao chúng ta chưa thể giải quyết được tình trạng này?
Điều lớn nhất tôi học được từ người hướng dẫn của mình là không phải câu trả lời mà chính câu hỏi xuất sắc làm nên con người xuất sắc. Hỏi nhiều và hỏi câu hỏi khác biệt là một cách học rất hiệu quả.
Lứa sinh viên VinUni có kiến thức và thái độ tốt với nghề
- Theo Tiến sĩ, sự tham gia của đội ngũ đến từ trường ĐH hàng đầu về đào tạo điều dưỡng đã tạo ra nét khác biệt nào đối với chương trình đào tạo điều dưỡng của VinUni?
Những hỗ trợ đã mang đến biến đổi toàn diện. Các tác động của UPenn gián tiếp, tức là họ giúp chúng tôi xây dựng chương trình tốt, định hướng phù hợp và đào tạo đội ngũ giảng viên đủ khả năng thẩm thấu và làm chủ chương trình của UPenn. Giảng viên của Upenn không đến dạy cho sinh viên VinUni một vài buổi rồi đi. Họ giúp VinUni xây dựng nền tảng vững chắc để VinUni tiếp tục xây dựng giấc mở của mình.
Với sự khác biệt về chương trình, sinh viên điều dưỡng tốt nghiệp VinUni có năng lực thực hành lâm sàng với tư duy phản biện và thực hành dựa vào bằng chứng rất tốt. 100% sinh viên đã tham gia các hoạt động nghiên cứu, đăng bài và báo cáo tại các hội nghị chuyên môn trong quá trình học.
Chúng tôi cũng mở nhiều cơ hội hơn cho sinh viên trong tương lai bằng các ngành phụ ở lĩnh vực quản trị kinh doanh và khoa học kỹ thuật. Với sự tương đồng về nội dung, sự tuân thủ theo các tiêu chuẩn đào tạo Điều dưỡng Mỹ, sinh viên tốt nghiệp từ VinUni có thể dự thi chứng chỉ hành nghề Mỹ nếu muốn.
Với năng lực như hiện nay, tôi tin rằng sinh viên VinUni đủ sức chinh phục kỳ thi chứng chỉ hành nghề không chỉ ở Mỹ mà ở nhiều quốc gia phát triển khác.
- Mọi thành quả phải đo đếm từ chất lượng sinh viên. Với sinh viên VinUni, nếu ngắn gọn trong 3 từ để đánh giá, theo ông đó là những từ gì?
Nếu dùng từ “talent”, tôi nghĩ đây đơn thuần mới là tiêu chuẩn tuyển sinh đầu vào. Tôi luôn nói với sinh viên của mình:
“Từ hôm nay, khi bước qua cổng trường của VinUni, các bạn hãy tạm quên chữ Tài năng. Bây giờ các bạn là những người có tiềm năng. Bạn phải học, tôi rèn và chắc chắn không chỗ nào tôi rèn mà không đau”.
Tôi thấy sinh viên của mình đã làm đúng như thế. Các em đã thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, dám đương đầu với thử thách khó khăn để học tốt và nói lên tiếng nói của Điều dưỡng. Tôi tin bản lĩnh đó được khơi nguồn từ khát vọng mong muốn cống hiến cho xã hội và cho con người.
- Cá nhân ông kỳ vọng ra sao với những người học trò đầy tiềm năng cũng như ngành điều dưỡng trong tương lai?
Tôi được đào tạo trong nước khi học đại học rồi mới học sau đại học ở nước ngoài. Tôi từng rất tự ti khi tiếp xúc với đồng nghiệp từ các nước vì mình đến từ “vùng trũng” về đào tạo điều dưỡng. Nhưng rồi tôi khẳng định được mình trước họ và rồi thấy rằng trí tuệ người Việt không hề thua kém bè bạn. Cái mà mình cần là khát vọng của bản thân và điều kiện bên ngoài để phát triển trí tuệ đó.
Tôi tin rằng học trò của mình đang có đầy đủ những điều kiện đó để phát triển tại VinUni. Tôi và đồng nghiệp của mình đã và sẽ làm hết sức mình để đào tạo được những Điều dưỡng viên thực sự khác biệt, những người đủ năng lực và biết cách kiến tạo sự thay đổi cho bản thân và cho xã hội.
Trong tương lai ngắn nhất, chúng tôi sẽ đưa chương trình điều dưỡng tại VinUni trở thành chương trình tốt, được công nhận không những ở Việt Nam, mà còn cả ở khu vực và trên thế giới. Giúp người học lên tốt hơn, giúp thay đổi đổi nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của một nghề nghiệp là những việc không hề đơn giản. Nhưng đó là sứ mệnh và lý do mà VinUni và UPenn tôi đang cố gắng mỗi ngày.
- Xin cảm ơn Tiến sĩ!
Đại học Pennsylvania (UPenn) – Mỹ thành lập năm 1740, được xếp hạng thứ 15 trên thế giới theo Bảng xếp hạng Đại học Thế giới QS năm 2020, thứ 15 trong lĩnh vực Y học và thứ nhất về Điều dưỡng. Theo bảng xếp hạng năm 2020 của U.S. News, Hệ thống Y tế UPenn nằm trong số 10 bệnh viện tốt nhất ở Hoa Kỳ và trường Y khoa của UPenn được xếp hạng 3 về nghiên cứu.
UPenn phối hợp với Đại học VinUni và hệ thống Bệnh viện Vinmec xây dựng giáo trình, chương trình đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú, điều dưỡng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất. UPenn cũng đang hợp tác với Vinmec để phát triển và đào tạo giảng viên, nâng cao chất lượng dịch vụ và chăm sóc sức khỏe, mở rộng các dịch vụ cụ thể và xây dựng mô hình giáo dục Khoa học Sức khỏe đẳng cấp thế giới tại Đại học VinUni.
Yến AnhBạn đang xem bài viết Chuyện chưa kể về những “viên gạch” đầu tiên cùng sáng tạo bởi UPenn và VinUni tại chuyên mục Học đường của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].