Chợ Viềng Nam Định – Phiên chợ ‘mua may bán rủi’ có một không hai

Chợ Viềng Nam Định phiên chợ “cầu may” có một không hai mở từ đêm mùng 7 đến ngày mùng 8 tháng Giêng. Ai đến chợ Viềng cũng mong muốn mua may bán rủi cho cả năm bình an, may mắn.

Chợ Viềng ở đâu?

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Nam Định có 4 chợ có tên Viềng nhưng thu hút du khách nhiều hơn cả là chợ Viềng Nam Trực và chợ Viềng Vụ Bản.

Tương truyền, chợ Viềng thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Trực, gắn liền với việc thờ ông tổ đúc đồng Nguyễn Minh Không, gắn với làng rèn Vân Chàng ở xã Nam Giang có bề dày truyền thống hơn 700 năm. Nên ở chợ Viềng Nam Trực thường bày bán đồ đồng, đồ cơ khí nhiều hơn và trưng bày cổ vật bằng đồng, sứ.

Dù đã trải qua nhiều thế kỷ nhưng chợ Viềng Nam Trực vẫn lưu giữ được vẻ nguyên sơ, chân chất qua các mặt hàng đồ cũ, đồ cổ như những chiếc lư đồng, mâm đồng, nồi đồng đến những bộ tách chén, bát đĩa, ngai, ỷ... bày bán ở chợ.

Chợ Viềng ở xã Trung Thành, huyện Vụ Bản còn được gọi là chợ Phủ, là do chợ gắn với Quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy - thờ Mẫu Liễu Hạnh. Người đến chợ Viềng Vụ Bản vừa đi chơi, vãn cảnh chợ, vừa mua bán những vật dụng may mắn, vừa vào Phủ lễ Mẫu cầu mọi sự may mắn, bình an, làm ăn phát đạt, cầu mưa thuận gió hòa để mùa màng tươi tốt.

Ai đến chợ Viềng cũng mong muốn mua may bán rủi cho cả năm bình an, may mắn. Ảnh minh họa

Ai đến chợ Viềng cũng mong muốn mua may bán rủi cho cả năm bình an, may mắn. Ảnh minh họa

Chợ Viềng ngày nay bán gì?

Cả hai chợ Viềng Nam Định đều có từ rất lâu và chợ Viềng ngày nay như là sự tái hiện lại hình ảnh một phiên chợ của cư dân nông nghiệp từ xa xưa. Ngoài những mặt hàng đồ cổ, đồ cũ, chợ chủ yếu bày bán các sản phẩm từ nông nghiệp và phục vụ sản xuất nông nghiệp như: các loại cây giống, cây cảnh, thịt bò thui, mía, cào sắt, cuốc, liềm, dao, búa, quang gánh, nón lá…; các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan đến từ Vụ Bản, hàng sơn mài của Ý Yên; hoa, cây cảnh Vị Khê, Điền Xá...

Ở chợ Viềng Nam Định không chỉ có các sản phẩm, sản vật tiểu thủ công nghiệp được sản xuất tại địa phương mà một lượng hàng hóa đủ loại như hàng gốm sứ, cây giống, đồ gỗ, đồ thêu đan... từ Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình cũng được mang đến bày bán khắp chợ.

Khi đi chợ Viềng, cả người bán và người mua mang ý niệm đến chợ để “cầu may”, tức là người bán không nói thách, người mua không trả giá vì sợ không bán, không mua được, dễ mất đi sự “linh thiêng” và bị “dông” cả năm.

Chính vì vậy mà khi đi chợ Viềng Nam Định, mọi người thường không về tay không, ai cũng mua về một thứ gì đó như một cây giống, cây cảnh hoặc cân thịt bò đem về nhà để có được may mắn, tài lộc, bình an… trong một năm mới.

Được biết, hội chợ Viềng xuân năm nay diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/1/2023 tức ngày 7 và 8 tháng Giêng năm Quý Mão. Đây là lễ hội truyền thống diễn ra hàng năm và cũng là dịp để người dân Nam Định thể hiện những nét văn hóa đặc trưng được kết tinh từ bàn tay, khối óc, đồng thời quảng bá với du khách về nét đẹp văn hóa giao tiếp, văn hóa tâm linh, văn hóa làng nghề, cũng như những thành tựu kinh tế xã hội của địa phương.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính