Có rất nhiều tranh cãi xung quanh chuyện bao giờ thì nên cho một em bé đi du lịch, nên đi bao lâu, cần “kiêng kỵ” gì… Thậm chí, nhiều bà mẹ trở thành “tội đồ” trong mắt các bậc ông bà nội ngoại vì tội “con còn bé tí mà đã lôi đi khắp nơi”.
Nhưng không ít bà mẹ có kinh nghiệm lại chia sẻ: “Bé nhà mình cứ cho đi chơi đâu xa đều ngoan hơn hẳn, ăn khỏe ngủ khỏe còn hơn ở nhà!”.
Có vẻ như trở ngại lớn nhất cho việc đưa bé đi chơi xa nằm ở những lời can ngăn hay đúng hơn là chữ “sợ” của chính bố mẹ: sợ nắng, sợ gió, sợ con bị bệnh…
Bé sơ sinh đi chơi, tại sao không?
Chị Hà, mẹ bé Na (Quận Tây Hồ, Hà Nội) cho con ra công viên, đi bể bơi từ khi bé được 2 tháng. Đến khi bé 4 tháng, chị cho con đi tàu vào Vinh (Nghệ An) để thăm nhà một người bạn thân của mẹ.
Trong khi đó, các bà mẹ có con cùng tháng tuổi bé Na còn chưa cho con ra khỏi nhà, hoặc bất đắc dĩ phải cho con đi tiêm chủng thì ra sức quấn chăn, trùm khăn để tránh gió máy.
Khi cho con đi chơi xa từ lúc 4 tháng tuổi, chị Hà đã chuẩn bị tương đối chu đáo về các loại hành lý mang theo như quần áo, bình sữa, sữa bột, khăn ướt… Nhưng chị hoàn toàn bất ngờ khi lên tầu từ Hà Nội (lúc 5h chiều) thì bé Na chỉ chơi một lát rồi ngủ, đến tận khi xuống tàu ở Vinh, quãng nửa đêm, bé mới dậy.
Lúc này đã đến nhà người quen, chị cho bé lau người nước ấm, chơi một lát là bé mệt và lại ngủ thẳng một giấc đến sáng hôm sau.
“Tôi thấy bé còn ngoan hơn ở nhà. Có thể do cho bé ra ngoài, tiếp xúc với nhiều điều mới lạ khiến bé hoạt động và tương tác với xung quanh nhiều nên bé cũng dễ ngủ và ngủ sâu giấc hơn” – chị Hà chia sẻ.
Tương tự như chị Hà, chị Thanh Mai, một bà mẹ Việt làm việc tại Đài Loan, đã cho con di chuyển bằng máy bay từ khi bé được 4 tháng tuổi.
Đó là vào dịp Tết năm 2017, khi cả gia đình chị nghỉ Tết, đi từ Đài Bắc về Hà Nội. Chị Mai cho biết trong suốt chuyến bay con gái mình, bé Bông, rất ngoan.
Chị chia sẻ kinh nghiệm: “Chỉ cần điều chỉnh lịch sinh hoạt của bé một chút để bé ngủ đúng vào thời gian bay thì mẹ sẽ rất nhàn. Khi máy bay cất, hạ cánh, các mẹ nhớ chuẩn bị bông để nút lỗ tai cho mình, đội mũ che tai cho con, đồng thời kết hợp cho bé bú ngay lúc đó. Việc ngậm ti mẹ sẽ giúp trấn an bé và động tác mút sữa cũng hỗ trợ bé không khó chịu do áp suất thay đổi đột ngột”.
Mọi người thường nghĩ trẻ em dưới 1 tuổi thì nên hạn chế đi lại, nhưng chị Trang (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) lại nghĩ khác.
Theo chị, các bé dưới 1 tuổi, đặc biệt là các bé bú sữa mẹ hoàn toàn, thì việc đi chơi xa rất thuận tiện.
Chị vui vẻ cho biết: “Thử nghĩ xem, nếu con trên 1 tuổi và bắt đầu ăn dặm, bạn phải chuẩn bị rất nhiều đồ ăn mang theo. Còn như con mình, chưa bắt đầu ăn dặm thì rất đơn giản. Đi đâu xa không cần mang theo đồ ăn, chỉ cần đảm bảo là mẹ khỏe, mẹ có chế độ ăn đầy đủ để đủ sữa cho con, thế là OK”.
Mẹ vui thì bé mới vui
Trái với “truyền thuyết” là phụ nữ mới sinh con phải ở trong nhà càng lâu càng tốt, ngày càng nhiều các bà mẹ chọn phương án đi du lịch cùng con từ rất sớm.
Chị Hà, mẹ bé Na, làm công việc của một họa sĩ thiết kế trong công ty về thời trang. Công việc đòi hỏi sự sáng tạo, luôn luôn phải tự làm mới mình.
Từ khi nghỉ sinh con đến khi cho con ra ngoài chơi lần đầu tiên, chị tâm sự mình cảm thấy rất tù túng, gần như bị trầm cảm vì trước đây quen đi nhiều, giao thiệp nhiều, đột nhiên nay phải quanh quẩn suốt ngày trong bốn bức tường…
Chị phát hiện ra cảm xúc bồn chồn, buồn bã của mình dường như bé Na cũng cảm nhận được và rất hay quấy khóc.
Vì vậy, chị đã thử cho con ra ngoài, dần dần từ các địa điểm như bể bơi, công viên, siêu thị… gần nhà, đến chuyến đi du lịch đầu tiên khi bé 4 tháng tuổi.
“Đi ra khỏi nhà khiến cả hai mẹ con đều vui vẻ, thoải mái. Mình còn thấy tiếc vì đã không mạnh dạn cho con ra ngoài chơi sớm hơn” – chị Hà nói.
Chị Diệu Anh (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại có lý do khác. Chị đã cho con trai xuất ngoại du lịch từ khi bé mới 10 tháng tuổi.
Chị kể: “Mình có người nhà ở Anh mời sang chơi, tranh thủ khi bé Bi còn nhỏ, mình đi luôn. Mình luôn xác định thời gian này mình coi con là ưu tiên số một, nếu thích đi chơi đâu xa thì hai mẹ con đi luôn. Chứ sau đó khi con lớn hơn một chút, tầm ngoài 2 tuổi, mình phải quay lại tập trung cho công việc, muốn dứt ra để đi chơi cũng khó”.
Những bức ảnh chụp chị Diệu Anh và con cạnh cầu sông Thames, tháp đồng hồ Big Ben khiến các bạn bè của chị “phát ghen” vì mẹ giúp con bắt đầu tư cách “công dân toàn cầu” từ sớm như vậy.
Theo các nghiên cứu về tâm lý học, tâm trạng của người mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến cả tâm lý và thể chất của em bé, đặc biệt là các bé sơ sinh.
Vậy nếu bạn là một phụ nữ hướng ngoại, yêu thích du lịch, thì đừng ngần ngại chia sẻ thú vui này với thiên thần nhỏ của mình. Chắc chắn các bé sẽ cảm nhận được niềm vui của mẹ đấy!
Cho con những kỷ niệm đẹp
Rõ ràng phải chuẩn bị, lường trước rất nhiều điều khi cho bé đi chơi xa, thậm chí khi đã quyết định cho bé đi chơi rồi, tối trước ngày đi bé lại ốm, thế là tất cả đều phải hủy bỏ…
Nhưng không có niềm vui nào sánh được khoảnh khắc nhìn thấy bé lẫm chẫm bước đi đầu tiên trên cát, thò chân chạm vào sóng biển hoặc nhặt một chiếc lá, chạm vào bề mặt sần sùi của vách núi lần đầu tiên trong đời.
Đó cũng là những khoảnh khắc chứng tỏ bạn – những bà mẹ, ông bố trẻ - đã tìm được cách dung hòa tuyệt vời giữa thú vui cá nhân và trách nhiệm, đã tận hưởng và chia sẻ toàn bộ những điều tốt đẹp nhất với gia đình.
Sau này, những bức ảnh chụp chuyến đi chơi đầu tiên với cha mẹ chắc chắn sẽ được con lưu giữ như một kỷ vật vô giá…
Em bé của bạn hẳn nhiên sẽ chẳng nhớ gì về chuyến đi đầu đời, nhưng những bức ảnh sẽ nhắc bé về hành trình đó, về tình yêu thương của cha mẹ, về niềm vui được sống hòa mình với thiên nhiên, được tự tin lớn lên mạnh mẽ và tự nhiên như cây cỏ.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Cho bé đi du lịch: Vượt qua sự sợ hãi để con được tự do hưởng nắng trời tại chuyên mục Dạy con của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].