Mẹ chồng không tới nhà em chơi thì thôi, chứ cứ ra là bắt đầu móc máy, bóng gió chê em vụng lười các kiểu..., nàng dâu tâm sự.
Không phải tự nhiên mà các cô gái đi làm dâu đều coi việc phải sống chung với mẹ chồng như 1 áp lực lớn trong lòng. Bởi quan hệ mẹ chồng nàng dâu vốn khá nhạy cảm.
Đôi khi không phải nàng dâu cứ khéo léo, chịu nhẫn nại mà đã có được tình cảm tốt đẹp từ phía phụ huynh.Nàng dâu trong câu chuyện dưới đây cũng vì quá mệt mỏi trong quan hệ với mẹ chồng nên đã vào mạng diễn đàn xã hội than thở:
Đợt mới cưới, sống chung nhà, mẹ chồng, bà toàn chỉ đạo cuộc sống của tụi em. Mệt nhất là bà cưng chiều con trai, không cho động chân động tay làm việc nhà, mọi thứ công to việc lớn cứ đùn hết cho con dâu. Vợ chồng có mâu thuẫn, em cũng không dám to tiếng với chồng mà rõ là chồng sai.
Sau không chịu được, em ép chồng phải dọn ra ngoài ở riêng không em ly hôn.Hôm chúng em chuyển ra ngoài, mẹ chồng giận lắm, chào bà không thèm đáp lại. Sau lần ấy bà càng ghét con dâu hơn, đi đâu cũng kể là em xúi giục khiến con trai bà quay lưng lại với mẹ.
Thuê trọ mất 3 năm, em cày quốc ngày đêm lo tích góp, cộng thêm bố mẹ đẻ em ủng hộ cho vài trăm triệu nên sang năm thứ 5 là em mua được nhà. Bên nội hầu như không đỡ đần gì được.
Không chỉ vậy, chồng em cũng lông bông, sống thiếu trách nhiệm với gia đình vợ con lắm. Mình em phải lo kinh tế, chăm sóc con cái. Đấy là ra ở riêng, em nói suốt anh ấy cũng thay đổi, tiến bộ nhiều so với ngày trước.
Ấy thế nhưng mẹ chồng không tới nhà em chơi thì thôi, chứ cứ ra là bắt đầu móc máy, bóng gió chê em vụng, đoảng các kiểu. Ngược lại với con trai, bà ca ngợi cao ngút mấy tầng mây. Nhiều khi nghe bà khen con trai với hàng xóm, em chẳng nhận ra nổi là bà đang nói về chồng mình.
Đặc biệt bà ít khi gần gũi với cháu nội nên con em không quấn bà. Hôm ấy cũng vậy, 2 mẹ con em đang chơi trong phòng thì bà tới. Chẳng biết sao lúc ấy tự nhiên thằng bé lại bướng, bảo mãi nó không chịu chào bà. Bà đưa tay ra nó không cho bế. Sau bà ngồi xuống cạnh bảo chơi cùng nó lại gạt tay bà ra bảo: 'Con không thích cho bà chơi'.
Thế là bà sầm ngay mặt quay ra bảo em dạy con thái độ với bà nội. Rằng nó bé thế chưa biết gì chỉ có người lớn dạy nó mới thế.
Bực mình nhưng em vẫn nhẹ nhàng giải thích mà bà không chịu nghe lại còn bảo: 'Con hư tại mẹ. Đúng là mẹ nào con ấy chẳng ra làm sao. Dâu không tử tế thành ra cháu mình cũng không ra gì'.
Bà mắng em một thôi một hồi rồi bảo em không biết dạy con thì đưa cháu cho bà dạy chứ để thằng bé ở với em kiểu gì cũng sẽ hư hỏng.
Thật sự cách nói chuyện của mẹ chồng em vô lý tới không thể nào dung hòa nổi. Con em mới có 4 tuổi, không biết bà chấp nhất với nó thật hay cố tình mang nó ra để dằn mặt, gây khó dễ cho con dâu. Song lần này em quyết không nhịn nữa, lẳng lặng về phòng đưa ra mất tờ giấy đặt lên mặt bàn giải thích.
'Cháu nó còn nhỏ để con uốn nắn cháu dần. Có điều con nhờ mẹ dạy bảo lại chồng con giúp con với. Đây mẹ xem, đàn ông có gia đình mà còn ham vui mấy trò đỏ đen này. Lúc thanh niên chơi nhiều đã đành rồi, giờ vợ con rồi vẫn chơi tới mức nợ người ta ngần này hại con còng lưng kiếm tiền ngày đêm trả nợ thay. Con không nói được chồng, nhờ mẹ bảo ban anh ấy lại'.
Biết tính trọng sĩ diện, em phải đưa ngay bằng chứng ăn chơi trước kia của chồng ra để nhắc lại cho bà biết. Vậy mà giờ bà cứ đay nghiến, coi thường em. Xem xong mẹ chồng em không còn nói thêm được câu nào, lúc sau thì lẳng lặng về. Từ hôm ấy bà cũng không kêu than, chê bai gì em được nữa.
Quả thật cảnh làm dâu không hề đơn giản với mỗi chị em phụ nữ. Có câu "1 điều nhịn 9 điều lành" tuy nhiên nhiều khi không phải cứ im lặng chịu đựng đã là tốt. Ngược lại có những khi chúng ta phải thẳng thắn, mạnh dạn nói ra suy nghĩ của bản thân, bảo vệ chính mình.
Như thế đôi bên mới hiểu nhau, từ đó dần dần thay đổi, cân bằng các mối quan hệ trong gia đình. Nhất là với những bà mẹ chồng khó tính như mẹ chồng trong câu chuyện trên chẳng hạn.
Thu Hà
Bạn đang xem bài viết Cháu không ưa bà nội, mẹ chồng mắng 'con hư tại mẹ', em liền trả chồng cho bà dạy lại tại chuyên mục Yêu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].