Đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật, trong đó có bệnh lý về đường hô hấp với những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị và phòng ngừa kịp thời. Gia Đình Mới trao đổi với Giáo sư đầu ngành của Bệnh viện Bạch Mai về những bí quyết ngừa biến chứng.
Biến chứng nặng hơn ở người thừa cân, béo phì
"Béo phì càng nặng, rối loạn nhịp thở càng nhiều", đó là khẳng định của GS.TS.BS Ngô Quý Châu - Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Hô hấp (BV Bạch Mai).
Theo giáo sư Châu, tuy các bệnh lý đường hô hấp thường dễ mắc, dễ khỏi nhưng lại không đơn giản đối với nhóm đối tượng mắc chứng thừa cân béo phì. Đối với nhóm này, chức năng hô hấp của cơ thể phụ thuộc rất nhiều vào bệnh lý bởi hoạt động của cơ hoành, khí phế quản của người béo phì thường hạn chế do “mỡ bám”, người béo phì thường bị rối loạn nhịp thở, ngáy, ngừng thở khi ngủ.
Đáng chú ý, những người thừa cân, béo phì thường hay mắc các bệnh lý suy giảm miễn dịch làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng phế quản phổi, gặp nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Ví như với những người bị viêm phế quản cấp do nhiễm trùng. Khi đã mắc bệnh cần điều trị tích cực bằng kháng sinh chống bội nhiễm, nâng cao thể trạng cho bệnh nhân để phòng tránh các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết.
Hay như đợt cấp của tâm phế mạn, khi thời tiết chuyển lạnh, bệnh nhân bị tim phổi mạn tính gây ra bởi các bệnh phổi mạn tính như viêm phế quản mạn tính, hen, giãn phế quản, giãn phế nang, lao phổi... rất dễ bị nhiễm khuẩn tạo nên những đợt bệnh cấp tính. Bệnh nhân thường đột ngột diễn biến nặng, khó thở nhiều, có khi chỉ sau vài đợt bệnh cấp là có thể dẫn đến tử vong.
Đối với bệnh giãn phế quản với triệu chứng chủ yếu là ho khạc nhiều đờm, nguyên nhân thường do vi khuẩn gây bội nhiễm. Thời tiết lạnh là yếu tố kích thích phế quản xuất tiết niêm dịch gây ứ đọng trong các phế quản tạo môi trường thuận lợi cho nhiễm khuẩn phát triển.
Ngoài ra, “với những người mắc các bệnh lý suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải như suy tim, đái tháo đường... sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng phế quản phổi. Đồng thời, khi mắc bệnh đường hô hấp kèm với một vài bệnh lý khác cũng làm việc điều trị trở nên phức tạp, thời gian điều trị dài ngày hơn. Điển hình như trường hợp bệnh nhân bệnh phổi mạn tính có béo phì sẽ ảnh hưởng đến chức năng thông khí phổi của bệnh nhân. Do đó, khi giảm cân nặng làm giảm triệu chứng, tỷ lệ cơn bùng phát và tình trạng sức khỏe chung của các bệnh nhân” – GS Châu cho biết thêm.
Làm gì để phòng ngừa các bệnh lý đường hô hấp?
GS Ngô Quý Châu cho rằng, việc phòng tránh bệnh chủ yếu là phải tránh hay loại trừ được các yếu tố gây bệnh như: tránh bị nhiễm lạnh; tránh hít thở phải bụi, virus, vi khuẩn, nấm mốc...; tăng cường sức đề kháng và điều trị triệt để các bệnh đường hô hấp. Cụ thể là các nguyên tắc sau:
Tránh hút thuốc lá, thuốc lào, khói bụi độc hại: Hút thuốc lá, thuốc lào, xì gà làm giảm sức đề kháng của niêm mạc đường hô hấp. Khi hút thuốc các lông chuyển trên bề mặt các tế bào biểu mô phế quản bị tê liệt, giảm hoạt động làm giảm thải chất nhầy khỏi đường hô hấp.
Các tế bào bảo vệ khác như các tế bào bạch cầu, đại thực bào cũng hoạt động không hiệu quả do vậy dễ xuất hiện nhiễm trùng hô hấp. Hút thuốc thụ động cũng có tác động tương tự.
Giữ môi trường không khí trong nhà sạch sẽ, lưu thông tốt để hạn chế nguy cơ lan truyền các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp qua không khí.
Nhiều bụi, dị nguyên trong môi trường sống trong nhà là nguy cơ gây các đợt cấp bệnh phổi mạn tính như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Việc tạo môi trường sống trong nhà sạch làm giảm nguy cơ nhiễm trùng hô hấp, giảm nồng độ các dị nguyên gây các đợt cấp hen phế quản.
Tránh thay đổi thời tiết đột ngột: Cần mặc ấm khi ra lạnh, giữ ấm mặt, cổ, ngực bằng cách đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn ấm khi ra đường, đặc biệt là những người làm việc ngoài trời.
Khi không có việc thật cần thiết thì không nên đi ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc đêm khuya vì lúc đó trời lạnh hơn.
Tránh luyện tập gắng sức khi trời lạnh, độ ẩm không khí cao, hoặc môi trường nhiều bụi; tránh hút thuốc, tiếp xúc với khói thuốc và khói bếp; nên ở trong nhà có môi trường ổn định khi đang có đợt cấp của bệnh phổi mạn tính.
Khi trời nóng nếu có điều kiện dùng điều hòa nhiệt độ, tuy nhiên không nên để quá lạnh, nhất là khi ngủ, đặc biệt là với người đã bị bệnh hô hấp mạn tính.
Không nên để chênh lệch nhiệt độ giữa trong và ngoài nhà quá nhiều vì cơ thể sẽ khó thích ứng được. Thông thường chỉ nên để nhiệt độ trong phòng khoảng 260C, chênh lệch với nhiệt độ bên ngoài không quá 80C.
Tiêm phòng vắc xin phòng cúm, vắc xin phòng phế cầu: Những người trên 60 tuổi, nhất là những người có bệnh mạn tính cần đi tiêm vắc xin phòng cúm và phòng phế cầu.
Nếu không may mắc bệnh, bệnh sẽ không diễn tiến nặng hơn. Một số nhóm đối tượng cũng được khuyến cáo tiêm vắc xin như những người hay mắc bệnh cúm, người thường xuyên tiếp xúc với môi trường có nguy cơ cao như các nhân viên y tế.
Những bệnh nhân hen phế quản nên tránh dùng các thuốc aspirin, một số thuốc kháng viêm không steroids khác khi đã từng xuất hiện cơn hen khi tiếp xúc với những thuốc này.
Tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm, tiêm vắc xin phế cầu (5 năm một lần) cho tất cả những người có bệnh phổi mạn tính làm giảm đáng kể tần xuất các đợt nhiễm trùng hô hấp.
Tăng cường sức đề kháng: Cần nâng cao sức đề kháng bằng việc tập thể dục đều đặn, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, cân đối để có sức chống lạnh. Thường xuyên vệ sinh răng miệng, đánh răng sau khi ăn và trước khi ngủ để tránh nhiễm trùng răng miệng.
Tránh các thức ăn đã từng gây dị ứng, hoặc có thành phần sulfite thường thấy trong các chất bảo quản thực phẩm như khoai tây, tôm, hoa quả khô, bia, rượu đã qua chế biến vì thường gây các cơn hen.
Những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính song song với việc tập luyện toàn thân như đi bộ, đạp xe, cần được hướng dẫn biện pháp thở bụng, thở chúm môi, ho có điều khiển.
Điều trị triệt để các đợt nhiễm trùng đường hô hấp: Các ổ nhiễm khuẩn mạn tính ở răng, lợi, miệng, tai, mũi, họng cần được điều trị triệt để nhằm tránh vi khuẩn lan xuống đường hô hấp dưới.
Viêm phổi thường có xu hướng nặng hơn ở người già trên 65 tuổi, hoặc ở những người mắc các bệnh phổi mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, xơ phổi... Do vậy, những bệnh nhân này cần tuân thủ đúng chế độ điều trị bệnh đang mắc.
Ở những bệnh nhân nằm lâu cần thay đổi tư thế thường xuyên kết hợp việc vỗ rung lồng ngực. Các nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp trên cũng cần được phát hiện và điều trị kịp thời tránh lan xuống đường hô hấp dưới.
Chính vì vậy, với người thừa cân, béo phì, những việc tưởng chừng đơn giản như kiểm soát cân nặng, thường xuyên vệ sinh răng miệng, đánh răng sau khi ăn và trước khi ngủ… có tác dụng vô cùng quan trọng trong phòng ngừa các bệnh đường hô hấp hiệu quả.
Việt Nam có gần 7 triệu người thừa cân, béo phì
Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Việt Nam hiện có gần 7 triệu người bị thừa cân, béo phì, chiếm hơn 8% dân số.
Tại các thành phố lớn, tình trạng thừa cân, béo phì lên tới 30%. Quan sát một số nhóm đối tượng dân cư, nghề nghiệp có tỷ lệ mắc thừa cân béo phì cao hơn nhiều so với trung bình của quốc gia, lên đến 40%.
Đáng lo ngại hơn là khi phân tích kết quả các giám sát dinh dưỡng cho thấy tuổi của người mắc thừa cân béo phì ngày càng trẻ hóa và béo phì mức độ nặng ngày càng gia tăng.
Lý Lĩnh/GIADINHMOI
Bạn đang xem bài viết 5 'nguyên tắc vàng' ngừa biến chứng hô hấp dành cho người thừa cân, béo phì tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].