Cấp cứu kịp thời, đúng cách giúp giảm tỷ lệ tử vong và di chứng
Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não là hiện tượng mất chức năng thần kinh đột ngột do tổn thương mạch máu tưới máu cho một vùng của não.
Đối với bệnh nhân bị đột quỵ, thời gian trì hoãn điều trị bệnh càng dài thì khả năng hồi phục của bệnh nhân càng bị hạn chế. Mặc dù có thể cứu sống người bệnh nhưng di chứng để lại rất lớn.
Theo bác sĩ Dương Trung Kiên, Phó trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, số bệnh nhân tai biến mạch máu não để lại di chứng chiếm khoảng 40%.
Những di chứng do đột quỵ não có nhiều mức độ khác nhau như nằm một chỗ, đứng và đi lại được nhưng chức năng vận động kém…
ThS. Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng thứ 2 toàn cầu. Tại Việt Nam, năm 2012 có khoảng 112.600.000 người chết vì đột quỵ.
Đột quỵ là một cấp cứu y tế khẩn cấp, do đó, khi phát hiện người bệnh có các dấu hiệu đột quỵ, cần gọi ngay cấp cứu để chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế chuyên khoa, nhằm giúp giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế.
Nếu được cấp cứu đúng thời điểm giờ vàng (3 - 4 giờ đầu) bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, hoặc trong 6 giờ đầu áp dụng lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học đối với các bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não thì khả năng cứu sống cũng như hạn chế được di chứng càng cao.
Bệnh nhân đến sau 12 giờ tính từ thời điểm bị đột quỵ, các bác sĩ vẫn có thể cứu được người bệnh nhưng di chứng để lại thì rất là lớn.
Tuy nhiên khi đột quỵ xảy ra, việc vận chuyển bệnh nhân cũng cần lưu ý đảm bảo an toàn và có ý kiến của các chuyên gia thần kinh.
Khi bệnh nhân đến được cơ sở y tế, việc cấp cứu điều trị phải được tiến hành khẩn trương đúng quy trình.
Các dấu hiệu của đột quỵ não
- Đột ngột tê hay yếu mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một nửa cơ thể
- Đột ngột lú lẫn, rối loạn hay không hiểu lời nói
- Đột ngột rối loạn thị giác ở một bên hay hai bên
- Đột ngột rối loạn việc đi đứng, choáng váng, mất thăng bằng hay mất khả năng phối hợp động tác
- Đột ngột đau đầu nhiều không biết nguyên nhân...
Điều trị đột quỵ não như thế nào?
‘Đột quỵ não có 2 thể là tắc mạch não và xuất huyết não. Trong đó, thể tắc mạch não chiếm khoảng 68,6%, xuất huyết não chiếm khoảng 31,4%.
Và 2 thể này chỉ có thể phân biệt được qua phim chụt cắt lớp, rất là khó để chẩn đoán chính xác.
Tất nhiên những bác sĩ có kinh nghiệm lâu năm mới có thể chẩn đoán hướng tới là xuất huyết hay nhồi máu não.
Nhưng, để có bằng chứng pháp lý, bắt đầu dùng loại thuốc nào cho phù hợp thì phải thông qua kết quả phim chụp cắt lớp’ – bác sĩ Kiên chia sẻ.
Bác sĩ Kiên cũng cho biết thêm, việc điều trị đặc hiệu cho mỗi thể khác nhau nhưng phác đồ điều trị tổng hợp chung cho cả hai thể của đột quỵ não giống nhau.
Trong đó, điều trị tổng hợp nhằm duy trì chức năng sống, chống phù não, giảm di chứng.
Điều trị đặc hiệu, chủ yếu cho thể đột quỵ tắc mạch não, bằng các thuốc tiêu huyết khối và điều trị dự phòng tái phát bằng các thuốc chống kết tập tiểu cầu.
Đây là thuốc cơ bản để điều trị dự phòng và điều trị tắc mạch, nhưng có khả năng làm tăng nguy cơ chảy máu. Do đó, tuyệt đối không dùng thuốc tiêu sợi huyết cho thể xuất huyết não.
Tuy nhiên việc sử dụng các loại thuốc này đòi hỏi bệnh nhân đến viện sớm trước 3 giờ và tuân theo những chỉ định rất chặt chẽ, được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên khoa có phương tiện theo dõi các xét nghiệm tin cậy, phòng tai biến chảy máu ồ ạt.
Bệnh nhân đến cơ ở y tế sau 3 giờ áp dụng phương pháp lấy huyết khối, muộn hơn nữa thì sẽ phải mổ.
Bệnh nhân đến trong vòng 6 – 12 giờ đầu sau khi bị đột quỵ thì việc điều trị bằng thuốc và các phương pháp điều trị khác được áp dụng kết hợp sẽ đem lại hiệu quả cao.
Do đó, việc người dân và các nhân viên y tế, bác sĩ ở các bệnh viện tuyến dưới nhận biết được dấu hiệu của bệnh nhân đột quỵ, biết được cơ sở y tế nào có thể điều trị được các dạng đột quỵ để chuyển bệnh nhân đến điều trị sớm sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong và giảm thiểu các di chứng.
Dự phòng đột quỵ não
Lý giải về việc bệnh đột quỵ não ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa, bác sĩ Kiên chỉ ra nguyên nhân rất lớn là do lối sống ít vận động và chế độ ăn chứa nhiều mỡ động vật.
‘Đã có trường hợp tôi điều trị cho bệnh nhân 27 tuổi bị đột quỵ não. Bệnh nhân này có bệnh lý tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu nhưng không điều trị và dẫn đến bị đột quỵ.
Độ tuổi cũng là một yếu tố tiên lượng tốt cho bệnh. Nhưng cũng không nên chủ quan, không nên nghĩ mình trẻ là mình sẽ hồi phục tốt mà chủ quan trong việc phòng ngừa bệnh.
Bởi, tế bào não khi đã bị hủy hoại thì rất khó hồi phục trở lại như ban đầu’ – BS Kiên cho biết.
Chính vì vậy, để dự phòng đột quỵ não cần lưu tâm đến việc điều trị dự phòng các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não.
Trong đó, các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não không thể tác động bao gồm: tuổi, gen, dân tộc, di truyền.
Những yếu tố nguy cơ có thể tác động được như: bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh tim mạch, tăng lipid máu, hút thuốc lá, uống rượu bia...
Và bằng cách thay đổi lối sống tĩnh tại, ít vận động sang tập thể dục, vận động thường xuyên làm giảm các yếu tố nguy cơ gây vữa xơ động mạch, giảm tỷ lệ tăng huyết áp, giảm cân nặng chống béo phì, tăng cholesterol có lợi, giảm cholesterol có hại, do đó làm giảm các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não.
Ngoài ra, cũng cần lưu tâm đến các vấn đề như kiểm soát huyết áp, không hút thuốc, kiểm soát đường máu nếu có đái tháo đường, ăn thức ăn có hàm lượng chất béo thấp, hạn chế uống rượu bia…
Lời khuyên của bác sĩ Kiên dành cho các bệnh nhân bị tăng huyết áp hoặc người có nhiều các yếu tố nguy cơ của đột quỵ là phải thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ.
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ não cần được đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa, tránh suy nghĩ nhầm lẫn cho là bị cảm, trúng gió, tiền đình… làm kéo dài thời gian quý giá can thiệp điều trị, để lại di chứng nặng nề.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Cấp cứu kịp thời, đúng cách người đột quỵ giúp giảm tỷ lệ tử vong và di chứng tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].