Các trường hợp chạy quá tốc độ không bị phạt
Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, trường hợp chạy quá tốc độ quy định người điều khiển phương tiện có thể bị xử phạt vi phạm như sau:
Xe máy:
Vượt 5 - 10 km bị phạt 200.000 - 300.000 đồng (Điểm c khoản 2 Điều 6).
Vượt 10 - 20 km bị phạt 600.000 - 01 triệu đồng (Điểm a khoản 4 Điều 6)
Vượt > 20km bị phạt 04 - 05 triệu đồng (Điểm a khoản 7 Điều 6) và Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 - 04 tháng (Điểm c khoản 10 Điều 6)
Ô tô:
Vượt 5 - 10 km phạt 800.000 - 01 triệu đồng (Điểm a khoản 3 Điều 5)
Vượt 10 - 20 km phạt 03 - 05 triệu đồng (Điểm i khoản 5 Điều 5)và Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng (Điểm b khoản 11 Điều 5)
Vượt 20 - 35 km phạt 06 - 08 triệu đồng (Điểm a khoản 6 Điều 5)và Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 - 04 tháng (Điểm c khoản 11 Điều 5)
Vượt trên > 35 kmphạt 10 - 12 triệu đồng (Điểm c khoản 7 Điều 5) và Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 - 04 tháng(Điểm c khoản 11 Điều 5)
Máy kéo, xe máy chuyên dùng:
Vượt 5 - 10 km phạt 400.000 - 600.000 đồng (Điểm a khoản 3 Điều 7)
Vượt 10 - 20 km phạt 800.000 - 01 triệu đồng(Điểm a khoản 4 Điều 7) và Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe/chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 01 - 03 tháng (Điểm a khoản 10 Điều 7)
Vượt > 20 km phạt 03 - 05 triệu đồng (Điểm c khoản 6 Điều 7); Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe/chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 10 - 12 tháng (Điểm d khoản 10 Điều 7).
Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên, chỉ khi người điều khiển ô tô, xe máy chạy quá tốc độ quy định từ 5km/h trở lên thì mới bị xử phạt. Còn khi chưa chạy quá 5km/h với cả ô tô và xe máy, người điều khiển xe vẫn chưa bị xử phạt.
Tuy nhiên, để bảo an toàn, người tham gia giao thông nên tuân thủ đúng quy định về tốc độ chạy xe.
Các đoạn đường được bắn tốc độ?
Theo khoản 3 Điều 11 Thông tư 65/2020/TT-BCA, Cảnh sát giao thông (CSGT) được sử dụng máy đo tốc độ có ghi hình ảnh (còn gọi là máy bắn tốc độ) để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và xử lý vi phạm. Đây là một trong những phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của CSGT.
Cũng theo quy định tại khoản 3, máy bắn tốc độ sẽ được lắp đặt, sử dụng công khai hoặc hóa trang trên các tuyến giao thông đường bộ, tại Trạm CSGT, trên phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát, trang bị cho Tổ CSGT, do cán bộ CSGT trực tiếp vận hành, sử dụng để phát hiện, ghi thu hành vi vi phạm của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Đồng thời, việc tuần tra, kiểm soát của CSGT phải được thực hiện theo kế hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Do đó, CSGT có quyền kiểm soát giao thông (trong đó có tốc độ) thông qua hệ thống giám sát lắp đặt cố định hoặc thông qua các phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ một cách cơ động ở bất cứ đoạn đường nào theo kế hoạch phê duyệt.
Khi máy bắn tốc độ ghi nhận được hành vi vi phạm, hệ thống tự động truy cập, truyền dữ liệu đến Tổ tuần tra, kiểm soát để lưu giữ và phục vụ công tác kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định. Người điều khiển phương tiện có trách nhiệm hợp tác theo yêu cầu kiểm tra, kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của CSGT.
CSGT mặc thường phục có được phép bắn tốc độ?
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 11 Thông tư 65/2020/TT-BCA, khi tuần tra, kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, được bố trí một bộ phận CSGT mặc thường phục để vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, CSGT không được tự ý mặc thường phục mà phải do người có thẩm quyền quyết định. Cụ thể, tại điểm b khoản 1 Điều 11 Thông tư 65/2020:
Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ thuộc Cục Cảnh sát giao thông (sau đây viết gọn là Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ), Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Trưởng Công an cấp huyện) trở lên quyết định việc mặc trang phục Cảnh sát hoặc thường phục khi sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và phải ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát.
Như vậy, việc mặc trang phục Cảnh sát hay thường phục sẽ do Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Trưởng Công an cấp huyện trở lên quyết định và phải ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát.
Theo đó, CSGT được phép mặc thường phục khi bắn tốc độ nhưng phải được nêu rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát.
V.LinhBạn đang xem bài viết 4 trường hợp chạy xe máy, ô tô chạy quá tốc độ mà không bị phạt tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].