Tiến sĩ Neil Stanley, nguyên Chỉ tịch hiệp hội Giấc ngủ Anh Quốc, cho rằng nhiệt độ lý tưởng trong phòng ngủ nên ở khoảng 16-18°C.
Ông cũng cho biết ngủ trong phòng quá nóng sẽ khiến bạn bị rối loạn giấc ngủ, dẫn đến những cơn ác mộng thường xuyên xảy ra.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo tiến sĩ Stanley, là do chúng ta cần giảm ít nhất 1°C trong cơ thể để có thể ngủ ngon. Nếu như nhiệt độ phòng ngủ quá ấm hoặc nóng, cơ thể sẽ không thể giảm nhiệt độ, vì thế giấc ngủ bị ảnh hưởng.
Cơ chế tác động của nhiệt độ phòng ngủ khiến xảy ra những cơn ác mộng đã được vị tiến sĩ có 36 năm nghiên cứu về giấc ngủ xác định. Đó là: nhiệt độ cao khiến cơ thể trải qua giai đoạn ngủ REM (Rapid Eye Movement – ngủ nông). Trong giai đoạn này các sóng não hoạt động như khi bạn còn thức. Bạn sẽ dễ thấy xuất hiện những giấc mơ có nhiều âm thanh, các hoạt động đột ngột và bạo lực của chân tay – chính là những cơn ác mộng.
Tiến sĩ Neil Stanley cũng bổ sung thêm rằng, nếu chúng ta đang trong tình trạng mất ngủ, cường độ giấc ngủ cũng mạnh hơn, đồng nghĩa với việc não hoạt động nhiều hơn trong khi ngủ. Đây là điều kiện để bạn có nhiều giấc mơ sinh động và bạn cũng có “triển vọng” đón nhiều cơn ác mộng hơn.
Thêm nữa, các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng ngủ trong một phòng có nhiệt độ vừa phải có thể ngăn ngừa các vấn đề như ngáy to, ngưng thở khi ngủ.
Một số nguyên tắc giúp bạn giữ cho phòng ngủ luôn mát mẻ là:
- Ngủ với chăn, gối bằng sợi cotton tự nhiên hoặc lụa.
- Không ăn muộn vào buổi tối. Thói quen này khiến nhiệt độ trong cơ thể tăng cao và bạn khó ngủ ngon.
- Nếu giường hơi lạnh, bạn nên dùng một bình chườm nóng để ở trong giường. Sau đó, khi bạn ngủ, cơ thể bạn sẽ tiếp tục làm ấm giường.
- Nếu có thể, nên ngủ với cửa sổ mở rộng.
Mai PhươngBạn đang xem bài viết Cảnh báo: Phòng ngủ quá nóng, bạn dễ gặp ác mộng tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].