Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi kể từ cuối năm 2017 đến 10/9/2018. Tổng số lợn bị tiêu hủy lên đến trên 500.000 con.
Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), tính riêng tại Trung Quốc trong khoảng từ đầu tháng 8/2018 đến 9/9/2018, xuất hiện 14 ổ dịch tại 6 tỉnh thành: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang; buộc phải tiêu hủy hơn 38.000 con lợn.
Thủ tướng gửi công điện yêu cầu các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp đề phòng và ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
Theo đó, nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, mua bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của khu vực biên giới.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo UBND các cấp, các Sở, ngành liên quan cần giám sát chặt chẽ người và các phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có lợn bị nhiễm Dịch tả lợn Châu Phi tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Tránh trường hợp nhập lợn và các sản phẩm từ lợn nhiễm bệnh vào Việt Nam.
Các địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn. Triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất từ ngày 15.9-15.10.2018.
Tổ chức hướng dẫn cho người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi các đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi (hằng ngày vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; vệ sinh tiêu độc khử trùng người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi; định kỳ phun hóa chất tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi; hạn chế tối đa việc ra, vào thăm cơ sở chăn nuôi nhất là tại các cơ sở sản xuất giống;…).
Chú ý đối với đàn lợn tại các địa phương giáp biên giới, có phương tiện vận chuyển đến từ nước đang có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và các địa phương có nhiều khách du lịch.
Nếu phát hiện đàn lợn nghi bị mắc Dịch tả lợn Châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì cần lấy mẫu (trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật) để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh.
Trong trường hợp phát hiện lợn nhiễm bệnh, cần phải báo ngay cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dừng vận chuyển và xử lý ngay lập tức lợn, sản phẩm của lợn, kể cả sản phẩm đã qua chế biến có nguồn gốc từ nơi lợn dương tính với Dịch tả lợn Châu Phi theo đúng quy định của Luật Thú y và các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thú y.
Khẩn trương xây dựng và ban hành “Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm địa bàn” theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm cơ sở triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả.
Thành lập đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
Các Bộ ngành như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông..., cần phối hợp để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn sự xâm nhiễm và lây lan bệnh Dịch tả lợn Châu Phi từ nước ngoài vào Việt Nam.
Bạn đang xem bài viết Cảnh báo ngăn chặn Dịch tả lợn Châu Phi có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].