Nhiều năm trước, tôi gặp một cô gái trẻ bị tai nạn giao thông trong phòng cấp cứu bệnh viện Việt Đức. Quần áo nhuộm đỏ máu và những vết bùn bẩn nằm trên băng ca trải drap trắng, mắt nhìn lên trần vô hồn.
Nhóm nhân viên y tế cả nam lẫn nữ bắt tay vào việc, anh bác sĩ cầm kéo nói với cô gái rằng anh sẽ phải cắt bỏ quần áo của cô để tìm vết thương trên cơ thể.
Theo phản xạ nào đó, cô gái co tay giữ chặt vạt áo. Một người đi ra kéo ông bố đứng cửa phòng cấp cứu đi vào trong, ông nắm tay cô gái bảo, con để bác sĩ cứu con, yên tâm có bố ở đây.
Ông đứng cạnh cầm tay cô con gái của mình đang đau đớn, hở hang. Có lẽ gánh nặng cảm xúc khiến ông ấy vụng về hơn và cả khóc nữa, phần thân thể nào kiểm tra xong ông hấp tấp kéo drap che cho con.
Tôi đã từng nhìn thấy nhiều hơn 1 lần cái cách cư xử ấy, của những cha dành cho con trong bệnh viện, khi còn nằm nhiều tháng trên giường bệnh hồi nhỏ.
Một nỗi khốn khổ, câm lặng, đơn độc, nỗi đau nặng như cả một chuyến hàng, hoặc bị tra tấn những câu hỏi đại khái như con tôi sẽ qua được hoạn nạn này như thế nào?
Những ông bố dễ hy sinh bản thân hơn cho các con gái, họ thể hiện lòng tận tụy của người cha qua công việc vất vả. Tình yêu đó là trách nhiệm hay một món nợ, khó định nghĩa. Con gái luôn là những cô bé nhỏ xíu trong vòng tay của bố.
Những hoạn nạn của con gái nếu không may gặp phải trong đời có lẽ luôn đè nặng lên người cha hơn ai hết, xót xa và đôi khi còn cảm thấy bất lực.
Yêu một thằng không tử tế, va vấp sa ngã chuyện đời hoặc vì lý do nào đó hình ảnh thân thể tràn lan trên mạng dưới hàng vạn con mắt xa lạ.
Và có thể, tối nay, ở đâu đó, có một người cha đang đau xót cho đứa con gái của mình, liệu cô gái có bước qua được hoạn nạn này? Không có tấm drap nào che cho con ở trên mạng.
Hoàng Minh Trí
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Vấp ngã của con gái và gánh nặng trên vai người cha tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].