20 năm trước, khi cô gái còn đang loay hoay với mối tình thứ nhất rồi thứ 2 gì đấy. Cô đã rất băn khoăn, vật vã lựa chọn giữa MUỐN và CẦN.
Đại loại về lý thuyết: Nếu tiêu chí lựa chọn bạn đời là CẦN thì cuộc hôn nhân sẽ bền vững, êm ả hơn. Còn nếu chọn con tim thay vì nghe lý trí - nghĩa là chọn MUỐN thì cảm xúc được nuông chiều nhưng cũng có khả năng bấp bênh hơn.
Cô gái của ngày hôm nay, sau gần 10 năm chung sống với người đàn ông của mình. Cô vẫn nghĩ: MUỐN hay CẦN cũng đều tốt cả. Nhưng trên hết, cảnh giới cao nhất của CẦN là CHẲNG CẦN GÌ.
À chẳng cần gì không có nghĩa là không cần có nhau trong đời, mà là chẳng cần gì ở người kia nữa và ngược lại.
Hai người hài lòng về nhau, hiển nhiên chung sống với cả điểm tốt và chưa tốt của nhau. Họ chẳng cần bao dung, hi sinh, che chở, mong cầu hay nhân danh tình yêu bằng bất cứ mỹ từ nào.
Họ thấy bình yên, thư thái, bình đẳng, thành thật trong mối quan hệ. Họ sẵn sàng trung thực với bản thân mà không sợ người kia phán xét hay bớt yêu mình.
Họ chẳng cần đẹp lên, trẻ trung hơn, chẳng cần đảm đang, nấu ăn ngon hơn. Họ chẳng cần kiếm nhiều tiền, thành đạt trong xã hội hơn, chẳng cần tốt hơn, chẳng cần yêu nhiều hơn, thậm chí cả gọn gàng, chỉn chu hơn cũng không cần thiết.
Đấy! Chẳng cần gì vì tất cả những gì người ấy đang là chính là điều êm dịu nhất.
Đơn giản thế thôi!
Nguyễn Đan Lê
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Muốn và cần tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].