Tôi có phải là một người Hạnh Phúc không? Tôi đáp ngay: Vâng! Tôi là người Hạnh Phúc.
Tôi là người chồng Hạnh Phúc với vợ tôi. Tôi là ông bố Hạnh Phúc với 3 đứa con của tôi.
Tôi là đứa con Hạnh Phúc với không chỉ bố mẹ tôi mà còn cả ba mẹ vợ tôi.
Tôi cũng là một đồng nghiệp Hạnh Phúc với những ai đã và đang làm việc chung với tôi.
Tôi Hạnh Phúc bởi tôi Tin vào Hạnh Phúc. Tôi Hạnh Phúc bởi tôi cảm nhận được Hạnh Phúc.
Ngay cả khi tôi gặp bất ổn với vợ mình thì tôi vẫn thấy mình Hạnh Phúc vì nàng không bao giờ muốn rời khỏi tôi- dù cãi nhau đến đâu thì nàng vẫn muốn tôi là chồng nàng.
Ngay cả khi 3 đứa nhỏ nhà tôi (thời gian này) vẫn từ chối đi cà phê với bố vì bận học, vì bận bạn bè, vì bận cả những cuốn sách, trò chơi chúng thích. Thì tôi vẫn thấy Hạnh Phúc khi nhìn chúng trưởng thành mỗi ngày trong tầm mắt tôi.
Hạnh Phúc vốn chẳng phải thứ gì quá lớn lao. Hạnh Phúc có khi bé mọn vậy thôi!
Có người bảo tôi ngây thơ và hay AQ bản thân. Tôi đồng ý.
Bởi tôi vẫn hay đặt lòng tin trọn vẹn thay vì niềm tin nửa vời. Tôi ít khi lật ngược lật xuôi niềm vui (và cả niềm tin).
Ai đó tốt với tôi- tôi nhận bằng tất thảy lòng biết ơn mà không mảy may nghĩ đến việc họ tốt có mục đích.
Bởi tôi nghĩ: Để làm gì? Phát hiện ra họ tốt với mình có mục đích thì tôi được gì? Đỡ đau hơn chăng? Vậy thì thôi đi! Cứ tin đi! Sai thì sửa. Đời có mấy tí mà cứ phải sống trong ngờ vực tôi ơi?
Tôi không dành nhiều thời gian cho việc so đo tính toán thiệt hơn không phải bởi tôi đã đủ đầy. Mà tôi nghĩ mọi thứ trong cuộc đời này rất công bằng. Bạn đối xử với người khác bằng cái tâm bất ổn thì người khác nữa sẽ đối xử lại với bạn y chang thế. Thậm chí còn tệ hơn. Vậy nên kệ đi!
Đôi ba người tôi biết, cuộc sống của họ thật nhiều phen bất hạnh. Nên họ như con chim đậu cành cong với vô vàn lo lắng. Và cả lo sợ nữa. Ăn bữa nay mà lo cho bữa mai. Làm cái này lại phải ngó trước nhòm sau sợ nảy sinh cái nọ. Chúng ta cứ thế mà lo lắng nối tiếp lo lắng vậy. Càng lo ta càng sợ. Suy diễn nhanh hơn suy luận là thế.
Tôi- cá nhân tôi vẫn cứ hay “phơi phới” nghĩ: Cái gì đến nó sẽ phải đến. Lo lắng không làm cho mọi thứ tốt hơn. Chỉ có sự chuẩn bị mới giúp ta có được sự sẵn sàng. Vậy nên chuẩn bị chứ đừng lo lắng. Chuẩn bị khác với lo lắng là ở giải pháp chứ không phải suy diễn, bài binh bố trận. Bằng nếu không tìm ra giải pháp thì… thây kệ nó đi! Bởi có lo lắng thì cũng chả tìm ra giải pháp đâu!
Bởi có một ví von thế này này: Nếu suốt cả chặng đường, bạn cứ chăm chăm nhìn xuống và lo dẫm phải một bãi phân thì cả chặng đường ấy thứ bạn thấy sẽ chỉ là những bãi phân.
Thế nên tôi cứ để mắt trên trời và nếu có dẫm phải bãi phân thì bầu trời xanh kia vẫn là một món quà tuyệt vời tôi có được. Dẫm phải thì đi rửa chân thôi mà, có hề gì đâu.
Hoàng Anh Tú
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Làm sao để luôn nhìn thấy hạnh phúc trên đường đi? tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].