Trở thành mẹ dù có thể theo cách giống nhau với mọi phụ nữ nhưng trải nghiệm thì luôn là khác biệt với mỗi người, dù đó là đứa con đầu tiên hay thứ 4 thứ 5.
Khi bầu bí, người mẹ nào cũng được hỏi "Em khỏe không?", "Giữ gìn sức khỏe nhé", "Nhìn em rất xinh lúc có bầu".
Nhưng khi đứa trẻ vừa ra đời, mọi câu hỏi đổ dồn về đưa trẻ "Con có ngoan không?", "Có bú tốt không?", "Nhìn xinh quá đi mất", "Mẹ có sữa không"... Chẳng có câu hỏi nào thực sự dành cho mẹ cả.
Nhiều người mẹ trở nên vô hình đúng nghĩa đen sau khi sinh con. Họ bị đẩy ra đứng sau đứng trẻ, chứ không còn là ở bên cạnh chúng nữa.
Có lẽ chỉ cần được nghe rằng "Em làm tốt lắm. Em cảm thấy thế nào? Em cần giúp gì không?" thì nhiều người mẹ đã không rơi vào trạng thái trầm cảm hay tâm lý tiêu cực sau sinh. Người ta nếu không nói "Tôi đến thăm em bé..." mà nói "Tôi đến thăm 2 mẹ con..." thì có lẽ cảm giác cũng đã khác rồi.
10 năm nữa đứa bé chắc chắn chẳng nhớ ai là những người đầu tiên bế chúng. Nhưng người mẹ thì sẽ mãi nhớ ai là người đã bế con mình.
Chúng ta cần một ngôi làng, những người có thể hỗ trợ chúng ta, khiến chúng ta cười, yêu thương chúng ta, nói với với chúng ta rằng họ luôn ở đó.
Làm mẹ thật sự có nhiều điều đáng sợ, choáng ngợp, cô đơn, mệt mỏi, kiệt sức và chẳng dễ dàng gì. Chúng ta muốn nuôi dạy con và khiến con cảm thấy được yêu thương, hạnh phúc. Chúng ta, những người mẹ, làm hết sức mình vì những gì chúng ta nó. Nhưng chúng ta không nên đơn độc trong hành trình này.
Dẫu rằng mình may mắn không trải qua cái cảm giác này. Nhưng mình biết và cũng đã từng chứng kiến nhiều câu chuyện còn đáng buồn hơn thế.
Khi làm mẹ rồi, mình hiểu tầm quan trọng của người mẹ.
Khi làm một người tư vấn giúp đỡ những người mẹ, mình chỉ muốn nói là: Hãy ôm lấy những người mẹ. Rồi cô ấy sẽ ôm lại bạn mà thôi!
Linh Phan/ Parenting Coach
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Để trở thành 1 người mẹ tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].