Làm sao để một đứa trẻ mới 5 tuổi- 10 tuổi hoặc thậm chí 13 tuổi- 15 tuổi học được cách giải trí khi chỉ có một mình?
Nhất là nhiều bậc cha mẹ con mới chỉ vừa buồn buồn một chút, than vãn một chút đã vội đưa cho nó chiếc iPad hay smartphone ngay vì “thấy nó buồn tội quá” mà mình thì đang bận cong mông chổng tĩ lên?
Là còn chưa kể những đứa trẻ được cha mẹ chiều chuộng thái quá cứ không có gì chơi là nhèo nhẹo nhéo mẹ mẹ bố bố. Lúc nào cũng phải cắm mặt vào cái iPad hay smartphone mới chịu ngồi yên và tìm thấy “niềm vui tự thân”.
Cứ như thể chỉ có chiếc smartphone kia mới đủ giữ nó cười vui được vậy.
Dạy trẻ tìm thấy niềm vui tự thân là daỵ trẻ về giá trị bản thân của trẻ.
Tôi tin rằng khi đứa trẻ hiểu rõ giá trị bản thân mình nó sẽ tự biết chăm sóc bản thân của nó hơn nhiều so với những đứa trẻ không biết giá trị bản thân hoặc coi thường bản thân, tự ti, mặc cảm hay rụt rè, nhút nhát.
Là đứa trẻ đó luôn biết rõ vị trí của chúng không chỉ trong lòng cha mẹ mà còn cả trong lòng bạn bè, thầy cô.
Cha mẹ tôn trọng con, cho phép con được quyền nói ra, bày tỏ phản ứng hoặc tranh luận một cách dân chủ, công bằng sẽ giúp đứa trẻ tin vào bản thân chúng, biết vị trí của chúng ở đâu.
Chứ không phải chỉ bằng “Mẹ yêu con nhất trần đời” hay “Con là đứa trẻ số 1”. Và càng không phải bằng quát mắng, áp đặt hay những mệnh lệnh mà con phải làm dù không phục mệnh lệnh đó.
Dạy trẻ tìm thấy niềm vui tự thân còn bao gồm việc con tìm thấy niềm vui ở việc đọc sách một mình, ngắm thiên nhiên trong mỗi chuyến đi, thưởng thức một ca khúc trẻ yêu thích, ngân nga theo nó.
Hay cái cách trẻ tự sáng tạo ra trò chơi khi ở một mình. Hoặc có khi, như con gái Trà My nhà tôi: Tìm thấy niềm vui trong việc làm bài tập giữa lúc cả lớp đang hò hét đùa nghịch xung quanh.
Trong nhà tôi, cô nàng Trà My này là một cô bé luôn biết tìm thấy niềm vui tự thân một cách đáng nể nhất. Cậu cả Bách thì rất thích nghe nhạc khi ở một mình. Còn cô út ít Phương Nguyên thì luôn có cả tá việc phải làm khi ở một mình.
Dạy trẻ tìm thấy niềm vui tự thân là thứ mà nhiều cha mẹ bỏ quên hoặc có khi không biết, nhầm lẫn với tự lập, cho rằng trẻ tự lập là đã biết tìm thấy niềm vui tự thân.
Thực ra nó cũng có phần gần nhau đấy nhưng niềm vui tự thân mang giá trị cảm xúc nhiều hơn, nó giúp một đứa trẻ tự lập một cách tích cực.
Và hơn cả, nó giúp trẻ vượt qua những khủng hoảng như bị tẩy chay, như bị từ chối khi tỏ tình, bị người yêu đá hay bạn bè đối xử không tốt với mình.
Trẻ có niềm vui tự thân sẽ tự điều chỉnh được cuộc sống của mình thay vì bị cuộc sống lôi đi.
Thế nên, với 3 đứa trẻ nhà mình, tôi luôn cùng chúng tìm kiếm những niềm vui tự thân ngay cả khi 4 bố con đi chơi cùng nhau là thế.
Và bài học về giá trị bản thân luôn là bài học tôi truyền cho các con mình nhiều nhất, mỗi ngày!
Hoàng Anh Tú
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Dạy trẻ cách sống tự tạo hạnh phúc cho mình tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].