Để sau đi là đến bao giờ?
Có nhiều người buồn cười thật! Họ sống như thể họ có đến 300 năm nữa để làm mọi việc. Nên câu cửa miệng của họ luôn là "hôm nào đó" và "để sau đi"...
Thực sự ra tôi cũng giống họ. Tôi vẫn quen miệng nói với bạn bè mình: Hôm nào cà phê nhé! Và cái "hôm nào" ấy luôn là cái hẹn xa nhất, là cái hẹn "cổ tích" nhất.
Không phải vậy sao? Vốn chẳng phải tôi không muốn đi cà phê với họ. Nhưng là bởi cuộc cà phê đó là ưu tiên hàng thứ áp chót.
Thế nên tôi luôn vui lòng nếu như bạn bè mình bảo: “Hôm nào cà phê nhé!”
Bởi quả đúng là có những thứ ta phải "để sau đi" khi mà quỹ thời gian ai cũng như ai, đều chỉ có 24h để dùng. Có khéo vun vén đến đâu ta cũng vẫn phải "để sau đi" rất nhiều điều vậy!
Nhưng có những thứ ta chẳng thể "để sau đi" được đâu. Có những thứ ta chẳng thể nói "hôm nào đó" được đâu.
Như một lời hứa với con mình. Như một cái ôm lúc bạn ta cần ta nhất. Như một lần nên khựng lại, ngồi xuống, cầm tay người ta yêu thương lúc nhận ra đuôi mắt họ đã có vệt chân chim, tóc đôi ba sợi bạc.
Có một câu là "tài sản" của tôi: Sống chậm lại- Nghĩ khác đi- Yêu thương nhiều hơn. Chúng ta nên sống chậm lại để yêu thương nhiều hơn. Nhưng yêu thương thì không được chậm trễ. Không được "để sau đi".
Ám ảnh đời tôi nhất vẫn là câu người ta hay nói về người đã khuất: Mới hôm qua thôi anh còn... Chúng ta còn hẹn nhau cơ mà...
Thế nên "để sau đi" thực sự như là tiêm từng chút thuốc độc vào mối quan hệ vậy.
Như cụ Nguyễn Du mất 300 năm để người ta khóc Truyện Kiều. Chúng ta luôn còn đến 300 năm để làm điều gì đó vĩ đại cho đời nhưng chúng ta chỉ có vài chục năm để sống cho nhau.
Đâu là sự ưu tiên của đời bạn? Vậy thì đừng "để sau đi" những ưu tiên đó. Đừng hẹn "hôm nào" nữa với những gì ta có thể làm hôm nay!
Nhà văn Hoàng Anh Tú
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Cái hôm đáng tiếc nhất trong đời chính là... ‘Hôm nào đó’ tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].