Khi mà một năm sắp kết thúc, người ta thường nghĩ về rất nhiều mong muốn và những giải pháp mới cho năm mới.
Làm việc nhiều hơn.
Khỏe hơn.
Khởi nghiệp.
Kiếm được nhiều hơn.
Và rồi sau đó 1 vài tháng thôi, người ta nhanh chóng bỏ cuộc những gì mình đã đề ra. Người ta cũng tự đặt câu hỏi đấy nhưng ít người hiểu vì sao nó lại không hoạt động.
Lý do đơn giản: chúng là những mục tiêu quá lớn và chung chung.
Khi chúng ta có một mục tiêu là “Sống khỏe hơn”, chúng ta cũng tự đặt mình vào thất bại vì không biết nên bắt đầu từ đâu.
Mình biết vì bản thân mình cũng từng đặt ra những mục tiêu như thế. Khi bắt đầu học về một lĩnh vực mới, khi bắt đầu làm fulltime freelancer, khi bắt đầu phát triển online/freelance business, khi viết sách… mình chỉ thấy bị choáng ngợp thôi.
Một trong những người thầy của mình từng hỏi cách đây 2 năm “Mục tiêu lớn nhất và đầu tiên của em là gì?”.
Mình đã nói “Em sẽ dạy viết, nhưng cũng chưa biết có thể thu nhập ổn định từ nó không nữa blah blah…”.
Mình vẫn tự rụt rè và ở trong vùng an toàn của riêng mình. Nhưng mình bị buộc phải chi tiết những mong muốn và mục tiêu đó ra. Cuối cùng, mình nói “Em sẽ trở thành người đầu tiên dạy về freelance business một cách chuyên nghiệp cho các bạn làm công việc viết lách, viết sách về chủ đề này và có một nền tảng cung cấp các khóa học online với thu nhập thụ động khoảng $1000/tháng”.
Nó là như thế. Chúng ta ghét tự tạo cho mình những ràng buộc bởi vì nó khiến chúng ta cảm thấy hạn chế. Nó có cảm giác như chúng ta đang phải từ bỏ điều gì đó và đó chính xác là cảm giác mà mình cảm thấy trong thời điểm đó.
Nhưng nó cũng đồng thời là một sự giải phóng. Một khi mình nói mình sẽ trở thành người đầu tiên dạy về freelance business một cách chuyên nghiệp, mình sẽ viết sách và mình sẽ có khóa học, có thu nhập thụ động thì mọi thứ trở nên rõ ràng hơn nhiều. Mình nhìn thấy mình cần làm gì để đạt được mục tiêu của mình.
Trong cuốn sách Freelance Writer, mình từng nhắc tới cách đặt mục tiêu SMART: Cụ thể, Đo lường được, Có thể đạt được, Có liên quan và Định lượng thời gian. Với mỗi yếu tố trong mục tiêu này, bạn sẽ phải tự hỏi mình những câu hỏi giúp bạn phát triển được mục tiêu thành công.
- Specific: Cụ thể - Mục tiêu tôi muốn đạt được là gì? Kết quả chính xác tôi tìm kiếm là gì?
- Measureable: Có thể đo lường được - Làm sao để biết tôi đã hoàn thành mục tiêu? Thành công trông sẽ như thế nào?
- Attainable: Mức độ khả thi - Có nguồn lực nào cần để đạt mục tiêu? Những tài nguyên đó là gì?
- Relevant: Sự liên quan - Sao tôi phải làm điều này? Tôi có thực sự muốn làm nó không? Nó có phải là ưu tiên trước nhất trong cuộc sống của tôi không?
- Time-bound: Định lượng thời gian - Hạn chót là bao giờ? Vài tuần nữa liệu tôi có đi đúng hướng?
Bạn có thể thấy sự khác biệt giữa những mong muốn mơ hồ và mục tiêu SMART cụ thể không? Mục tiêu SMART tập trung hơn, rõ ràng hơn, thực tế hơn và cũng dễ đo lường hơn. Quan trọng là nó giúp bạn mường tượng ra một hệ thống mình cần xây dựng để hoàn thành những mục tiêu của mình.
Giờ thì hãy đặt ra mục tiêu SMART cho một điều gì đó bạn muốn hoàn thành năm 2021 nhé!
Linh Phan
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Cách để đặt ra mục tiêu cho năm 2021 tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].