Cách quản lý thực phẩm để có bữa ăn trường học an toàn
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, một bữa ăn tốt cho trẻ ở gia đình hay trường học thì yếu tố quan trọng hàng đầu và mang tính quyết định luôn là an toàn vệ sinh thực phẩm.
Vì vậy, để có một bữa ăn chất lượng cho trẻ thì cần đảm bảo về khâu lựa chọn thực phẩm, khâu chế biến và khâu phân phối, thời gian bảo quản thực phẩm. Đây là một chu trình để đạt tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm.
An toàn vệ sinh thực phẩm tức là thực phẩm đó phải đảm bảo chất lượng, như: có hạn sử dụng, không có chất bảo quản.
Ví như gạo dùng để nấu cơm, cháo cho trẻ phải là gạo có chất lượng tốt, còn hạn sử dụng, không mốc, ẩm…; Bún, phở phải tươi, không có chất làm giòn...; Thịt, cá cần phải tươi ngon, không bơm hóa chất, không ôi, thiu; Rau, củ, quả tươi ngon, không có các thuốc bảo vệ thực vật.
Đối với bếp ăn tại trường học cần phải được kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hằng ngày. Ví như khu nấu nướng, chế biến phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, các loại gia vị chế biến đảm bảo an toàn, còn hạn sử dụng, dầu ăn không có ôi khét...
Đối với khâu chế biến, cần tuân thủ quy trình, đảm bảo dụng cụ theo quy định. Người nấu ăn tại bếp ăn trường học cần tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm khi chế biến đồ ăn. Khâu chia suất ăn phải theo quy định và phải tính toán thời gian đảm bảo an toàn trong việc chia suất ăn.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong bữa ăn tại trường học là vô cùng quan trọng. Bởi nếu đồ ăn không đảm bảo, trẻ sẽ bị rối loạn tiêu hóa (ngộ độc nhẹ). Khi đó, trẻ sẽ đau bụng, đi vệ sinh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ đó, mất giờ học, không tiếp thu bài trên lớp. Do đó, mỗi trường học cần kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên hoặc định kỳ.
Cách chế biến an toàn thực phẩm
- Giữ thực phẩm sạch
- Tách riêng thực phẩm tươi sống và qua chế biến
- Nấu chín kỹ thức ăn
- Giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn
- Sử dụng nước và nguyên liệu thực phẩm sống sạch, an toàn
An toàn thực phẩm trong hộp cơm tại trường học
Theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), để đảm bảo an toàn thực phẩm trong hộp cơm của con tại trường, cha mẹ và trường học có thể thực hành kiểm soát bằng việc chọn nhà cung cấp thực phẩm và giám sát hoạt động của họ theo cách sau:
- Chọn và đặt các xuất ăn cho học sinh tại các cơ sở cung thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
- Trước khi lựa chọn cần thu thập đầy đủ về các nhà cung cấp thực phẩm từ nhiều nguồn tin tin cậy khác nhau
- Thăm cơ sở cung cấp thực phẩm để đảm bảo người tham gia chế biến thực phẩm thực hành đúng các nguyên tắc an toàn và vệ sinh thực phẩm
- Cần tránh đặt các món thuộc nhóm thực phẩm có nguy cơ cao (ví dụ như salad, sushi,..)
- Đảm bảo các phòng ăn luôn sạch sẽ.
- Lấy mẫu để đo nhiệt độ thực phẩm. Thực phẩm nóng nên được giữ ở trên 60 độ C trong khi thực phẩm lạnh nên được giữ ở 4 độ C hoặc thấp hơn.
- Sắp xếp học sinh ăn trưa càng sớm càng tốt và cần dặn học sinh nên rửa tay trước khi ăn.
- Ngừng ăn các loại thực phẩm nếu phát hiện thấy dấu hiệu bất thường và ngay lập tức thông báo tới cơ sở cung cấp thực phẩm và cơ quan có thẩm quyền.
Mới đây, Sở Y tế Khánh Hòa đã ký công văn khẩn thông báo Kết luận công tác kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh công tác thu dung, chăm sóc điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm tại Trường iSchool Nha Trang.
Theo đó, kết quả phân lập nguyên nhân ban đầu từ nuôi cấy mẫu bệnh phẩm (cấy phân) của các bệnh viện cho thấy tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Salmonella group, nhạy với phần lớn kháng sinh, ghi nhận 1 trường hợp kháng với các kháng sinh là: Gentamicin, Amikacin, Tobramicin.
Qua báo cáo của các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, từ tối 17/11 đến sáng 21/11, các bệnh viện của tỉnh tiếp nhận 648 học sinh trường iSchool Nha Trang nghi ngộ độc thực phẩm. Các bệnh viện hiện đang điều trị 211 ca và ghi nhận một ca tử vong.
An AnBạn đang xem bài viết Cách quản lý thực phẩm trong bữa ăn tại trường học tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].