Cách phân biệt các loại Đông trùng Hạ thảo trước khi mua
Mấy năm gần đây, thị trường Việt Nam xuất hiện rất nhiều loại Đông trùng Hạ thảo, các loại có hình thái khác nhau, chất lượng và giá cả cũng khác nhau.
Theo khảo sát cơ bản của Viện Nghiên cứu và ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ, Đông trùng Hạ thảo tại Việt Nam chia làm mấy dạng sau:
Thứ nhất, Loại Đông trùng Hạ thảo khai thác trong tự nhiên ở vùng Himalaya:
Loại Đông trùng Hạ thảo này có hình dáng một con sâu khô có cây nấm mọc trên đầu. Tên khoa học là: Cordyceps Sinensis (như nguồn gốc Đông trùng Hạ thảo)
Loại này bị khai thác ngày càng cạn kiệt nên giá rất cao, có loại lên đến 2,3 tỉ đồng/kg khô. Vì thế, việc làm giả, hoặc rút hết hoạt chất rồi bán với giá thấp hơn đang xuất hiện rất nhiều.
Theo một số bài báo thì loại này có 70% xuất hiện trên thị trường là giả. Có loại giả do dùng thủ đoạn tạo thành, có loại là “bã dược liệu” đã tách chiết được bán với giá hàng chục triệu 1 hộp.
Thứ 2, Đông trùng Hạ thảo nuôi cấy - Cordyceps Militaris
Loại Đông trùng Hạ thảo này có hình dạng cây nấm, được cấy trên các giá thể như gạo lứt + bột nhộng tằm + nước cốt dừa hoặc cấy trên con nhộng tằm. Tùy từng cơ sở có thể có những cách nuôi, cách làm giá thể khác nhau.
Các chuyên gia khẳng định hàm lượng dược chất của Đông trùng Hạ thảo tự nhiên (giá 2,3 tỉ đồng) và Đông trùng Hạ thảo nuôi cấy (giá khoảng 100 triệu đồng) cơ bản là giống nhau, thậm chí có hoạt chất loại nuôi cấy còn "nhỉnh" hơn loại tự nhiên.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo nên mua Đông trùng Hạ thảo nuôi cấy tại các cơ sở có uy tín, không nên mua Đông trùng Hạ thảo tự nhiên một cách tù mù.
Phân biệt Đông trùng Hạ thảo Việt Nam và Trung Quốc
Xét về giống, nguồn gốc, Đông trùng Hạ thảo này cũng chia ra làm các loại sau:
2.1. Loại nuôi cấy, chế biến tại Việt Nam:
Mặc dù có thể là giống nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhưng được nuôi cấy tại Việt Nam. Loại này có hàm lượng Cordycepin ổn định, trong điều kiện nuôi từ các chất tự nhiên theo nguyên lý hữu cơ, giống Đông trùng Hạ thảo Hàn Quốc, Nhật Bản có hàm lượng các chất ở khoảng 3 mg/g và Adenosine ổn định khoảng 0,3 mg/g (tùy theo kỹ thuật nuôi trồng, thời điểm thu hái).
Những trường hợp có những chỉ số này cao bất thường cần có những nghiên cứu chứng minh thuyết phục. Dưới đây là kết quả kiểm nghiệm sản Đông trùng Hạ thảo nuôi cấy theo phương pháp tiệm cận tự nhiên của Viện Nghiên cứu và ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ.
Riêng với loại Đông trùng Hạ thảo nguồn gốc giống từ Trung Quốc cũng được nuôi nhiều tại Việt Nam. Đặc điểm khi sấy đông khô, có thân màu nhạt, thân to, khi sấy lên màu trắng đục như gạo. Hàm lượng Cordycepin chỉ khoảng 1-1,8 mg/g.
Khi tươi, loại Đông trùng Hạ thảo giống Trung Quốc thường có thân to, đầu bào tử tròn lớn hơn thân.
Loại này được nuôi phổ biến ở một số cơ sở vì năng suất cao, có thể chống chọi được với những bệnh gây chết…
2.2. Loại nuôi cấy, chế biến tại Trung Quốc:
Loại này thường có giá rất rẻ, không rõ quy trình nuôi cấy, hàm lượng Cordycepin và Adenosine thường rất thấp, thậm chí không hiển thị. Loại này có giá khoảng vài triệu đồng một kg.
Ngoài ra, xét về cách sấy, đông trùng hạ thảo khô cũng có các kiểu như sau, kiểu sấy đông khô, kiểu sấy gia nhiệt, kiểu sấy thăng hoa… Hình dáng thành phẩm khô trông cũng có nhiều khác nhau. Tuy nhiên, loại sản phẩm nuôi cấy hoặc có giống từ Trung Quốc thường có màu nhạt, đầu bào tử thường tròn và to.
Cảnh báo: Để tránh mua phải “bã Đông trùng Hạ thảo” (không có dược tính), hoặc mua Đông trùng Hạ thảo có nguồn gốc Trung Quốc kém chất lượng, quý vị nên chọn cơ sở có thể kiểm chứng được, có cơ sở khoa học, quy trình sản xuất để kiểm chứng sản phẩm. Không nên mua ở những cơ sở trôi nổi vì rất có thể sẽ bị trà trộn hàng chế biến từ Trung Quốc hoặc hàng nuôi cấy từ giống nấm Trung Quốc có hàm lượng rất thấp.
Nguyễn Văn Cường (Viện Nông nghiệp hữu cơ)Bạn đang xem bài viết Cách nhận biết Đông trùng Hạ thảo nguồn gốc Trung Quốc kém chất lượng tại chuyên mục Tiêu dùng thông minh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].