Việc cho sữa đang dần trở nên phổ biến hơn - một trong những lý do là nhiều người mẹ không thể cho con bú hoặc không có đủ sữa, cần đến sự giúp đỡ của những người mẹ khác trong cộng đồng.
Tuy nhiên, theo ban Giám đốc của Viện Y học về Nuôi con sữa mẹ (Academy of Breastfeeding Medicine - ABM), các bà mẹ tuyệt đối không nên bỏ qua những biện pháp an toàn cần thiết.
TS Natasha Sriraman, trưởng nhóm tác giả, bác sỹ nhi khoa ở Bệnh viện Nhi King’s Daughters ở Norfolk, Virginia cho hay, bài báo của ABM nhằm mục đích nhắc nhở các bác sỹ cùng những người chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé đưa ra những thông tin chính xác, giúp các bà mẹ có quyết định đúng đắn khi cho sữa.
Trong bài viết trên Tạp chí Nuôi con sữa mẹ (Breastfeeding Medicine journal), các nhà khoa học đầu ngành này cho biết, cho sữa tự do, tự phát khác với tặng sữa cho ngân hàng sữa.
ABM không khuyến khích việc mua sữa qua mạng hay mua sữa dưới bất kỳ hình thức nào vì những người cho sữa thường là người lạ hoặc giấu tên, không thể xét nghiệm sức khỏe và loại sữa đó thường không sử dụng được.
‘Người cho sữa cần cung cấp thông tin về tiền sử bệnh án, các loại thuốc đang sử dụng và các thói quen sống (uống rượu, hút thuốc lá, dùng ma túy, v.v.).
Hồ sơ và các xét nghiệm bệnh truyền nhiễm trước khi sinh của các bà mẹ này cũng cần được xem xét kỹ càng’.
Ngoài ra, ABM cũng khuyến khích các bác sỹ dạy các bà mẹ và gia đình cách tiệt trùng sữa tại nhà trước khi cho con uống, mặc dù việc này có thể làm giảm một số chất có lợi trong sữa.
Cụ thể, các vitamin gần như được giữ nguyên sau khi tiệt trùng nhưng một vài nghiên cứu cho thấy lượng chất béo trong sữa bị giảm nhẹ.
Các protein bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt là các protein có khả năng miễn dịch và chống nhiễm khuẩn.
Theo TS Sarah Keim, một nhà nghiên cứu ở Bệnh viện Trẻ em Quốc gia ở Columbus, Ohio, người không tham gia viết bài báo, không có cách nào để đảm bảo sữa bạn nhận được an toàn 100%.
‘Trừ phi bạn có phòng thí nghiệm tại nhà, bạn không thể biết được bên trong sữa có chứa các loại thuốc, tác nhân gây ô nhiễm, vi khuẩn gây bệnh hoặc virus nào. Bạn chỉ có thể tin vào lời nói của người cho sữa.
Cũng chưa có bằng chứng xác thực liệu sữa được hiến miễn phí có bớt rủi ro so với sữa được mua bán và phân phối qua mạng hay không.’
Ngoài ra, hiện nay các nhà khoa học chưa chứng minh được sữa mẹ được cho còn giữ được những ích lợi của sữa mẹ không.
‘Khi sữa mẹ được bơm ra, bảo quản, đông lạnh, rã đông rồi xử lý sau đó cho trẻ (không phải con của người cho sữa) uống, không biết tác dụng của nó với trẻ như thế nào’ – bà quan ngại.
Quỳnh AnhBạn đang xem bài viết Các bà mẹ tuyệt đối không nên cho sữa trước khi hỏi ý kiến bác sỹ tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].