Cùng ăn cá nóc, cùng vào... bệnh viện
Ngày 26/12, thông tin từ Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam, bệnh viện đang điều trị cho 6 bệnh nhân bị ngộ độc khi ăn cá nóc.
Trước đó, tối 25/12, ông Đồng Trinh Hoa (47 tuổi, trú xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đi biển về có mang theo cá nóc và nấu ăn tại nhà.
Sau bữa ăn, 6 người có biểu hiện bị ngộ độc như chóng mặt, nôn ói và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Các bệnh nhân gồm ông Nguyễn Văn Giờ, Nguyễn Minh Tòng (cùng 31 tuổi), Đồng Trinh Hoa (47 tuổi), Lê Quang Thọ (44 tuổi), bà Nguyễn Thị Suốt (47 tuổi) và Lê Văn Độ (17 tuổi).
Bác sĩ Đinh Đạo, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam, cho biết trong 6 ca ngộ độc có một người nằm ở phòng hồi sức với tiên lượng rất xấu.
"Trong 6 người ngộ độc, có một bệnh nhân đang thở máy, tiên lượng rất xấu, đã ngừng tim 2 lần. Chúng tôi đang tích cực cứu chữa cho các bệnh nhân", bác sĩ Đạo nói.
Cá nóc độc như thế nào?
Cũng theo bác sĩ Đạo, cá nóc còn được gọi là cá cóc, sống ở vùng biển cận nhiệt đới và nhiệt đới. Loại cá này có độc tố gọi là chất Tetrodotoxin.
Chất độc tập trung ở da, ruột, gan, cơ bụng, túi tinh và nhiều nhất là trứng cá nóc. Do vậy con cái độc hơn con đực, đặc biệt là trong mùa sinh sản.
Chất tetrodotoxin là một loại độc tố thần kinh cực độc, gấp hơn 1.200 lần so với cyanua.
Bình thường độc tố tồn tại trong cá ở dạng tiền độc tố tetrodomin không độc. Chỉ khi cá bị ươn hoặc bị bầm dập, tetrodomin sẽ biến đổi thành tetrodotoxin gây độc.
Đun sôi ở nhiệt độ 1.000C trong 6 giờ độc tố tetrodotoxin mới giảm đi 50%, nó chỉ mất đi hoàn toàn khi đun sôi 2.000C trong 10 phút. Vì thế, chúng ta không thể làm mất độc cá nóc bằng cách nấu và chế biến thông thường.
Sau khi ăn cá nóc, sẽ xuất hiện các triệu chứng như tê miệng, môi, đầu lưỡi, ngón tay…
Sau đó sẽ phát triển các triệu chứng như buồn nôn, đi bộ và nói rất khó khăn, tiếp nữa sẽ xuất hiện tình trạng giảm huyết áp, khó thở, thậm chí là mất ý thức, ngưng thở.
Mặc dù cá nóc có rất nhiều chất dinh dưỡng, như protein và axit amin, nhưng nó là một loại cá có độc tính cao phải được xử lý một cách vô cùng cẩn thận, không được ăn tùy tiện.
Nhiều năm nay, các cơ quan chức năng luôn cảnh báo người dân không nên sử dụng cá nóc khi không nắm rõ cách chế biến loại cá độc hại này. Tuy nhiên, nhiều người chủ quan vẫn ăn loại cá này và đã xảy ra một số trường hợp tử vong.
V.LinhBạn đang xem bài viết 6 người ăn cá nóc nhập viện cấp cứu, cá nóc thực sự độc như thế nào? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].