Một bệnh viện ở Anh đã trở thành đơn vị đầu tiên trên thế giới sử dụng mô hình in 3D để chuẩn bị kế hoạch cho ca ghép thận thành công.
Cậu bé Dexter Clark, 2 tuổi, sống tại (Reading, thuộc Berkshire, Anh) bẩm sinh đã gặp phải vấn đề về thận rất nghiêm trọng, khiến bé chỉ có thể ăn qua một ống thông.
Mặc dù cha bé, anh Brendan, tình nguyện hiến thận để điều trị cho con, nhưng một nội tạng của người lớn liệu có thể ghép vừa với cơ thể trẻ? Điều này khiến các bác sĩ phẫu thuật lo lắng.
Để giải đáp băn khăn này, các bác sĩ tại Quỹ Guy’s and St Thomas’ NHS, đã quyết định scan thận của cha và vùng ổ bụng của bé Dexter, từ đó tiến hành in 3D để quyết định xem liệu việc cấy ghép có thích hợp hay không, đồng thời, đâu là cách tốt nhất để thực hiện ca cấy ghép.
Trong trường hợp của Dexter, các mô hình 3D đã được đưa vào phòng phẫu thuật trong ngày tiến hành ca ghép thận để các bác sĩ có thể quan sát và quyết định từng thao tác.
Sau ca phẫu thuật một thời gian, đến nay bé Dexter đã hoàn toàn bình phục, bé có thể ăn được thức ăn đặc, không cần thiết sử dụng ống xông.
Các bác sĩ hi vọng rằng với việc ứng dụng công nghệ in 3D như trong trường hợp của Dexter, họ có thể tìm giải pháp điều trị hiệu quả, giảm đau đớn đồng thời đảm bảo an toàn cho bệnh nhân có nhu cầu cấy ghép tạng.
Trong một số ca bệnh tương tự trước đây, khi các bác sĩ lo lắng rằng việc ghép tạng có thể không “vừa” với cơ thể bệnh nhân, họ sẽ phẫu thuật thăm dò trước, từ đó mới đưa ra quyết định.
Tuy nhiên, với các mô hình in 3D, bác sĩ sẽ không phải phẫu thuật thăm dò, các bác sĩ có thể dễ dàng lên kế hoạch chính xác từng thao tác phẫu thuật trước khi bệnh nhân lên bàn mổ.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Ca bệnh đầu tiên ghép thành công thận người lớn vào cơ thể trẻ em tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].