Tổ chức Consumer Reports đã tiến hành thử nghiệm 65 sản phẩm kem chống nắng, bao gồm cả dạng kem, dạng xịt và dạng thỏi.
Kết quả thử nghiệm cho thấy 43% các sản phẩm này có chỉ số SPF thấp hơn so với nhãn ghi. Do SPF là chỉ số để đảm bảo mức độ chống tia cực tím, nên bất kỳ sự sai lệch nào về thông số này, có thể khiến người dùng có nguy cơ bị cháy nắng và ung thư da.
Học viện Da liễu Hoa Kỳ khuyến nghị chọn kem chống nắng có mức SPF ít nhất là 30, để 97% tia cực tím.
Trong báo cáo năm nay của Consumer Reports, 13 trong số 35 loại kem chống nắng công bố là có mức SPF 30, nhưng đã được phát hiện có SPF dưới mức này.
Các sản phẩm có vấn đề nhất là Banana Boat Kids Tear-Free, Sting-Free Lotion, CVS Kids Sun Lotion, được dán nhãn là SPF 50 nhưng chỉ có SPF 8.
Phản hồi lại thông tin bất lợi này, các hãng sản xuất kem chống nắng khẳng định rằng sản phẩm của họ hoàn toàn đạt mức SPF như đã nêu trên bao bì.
Tuy nhiên, các nhà khoa học của Consumer Reports cho rằng: lý do của sự khác biệt giữa báo cáo của họ và thông tin từ các nhà sản xuất có thể nằm ở phương thức thử nghiệm sản phẩm.
Đối với nghiên cứu mới của Consumer Reports, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm khả năng chống nắng của kem 80 phút sau khi người dùng bôi kem và có ngâm mình trong nước. Trong khi đó các nhà sản xuất có xu hướng đánh giá hiệu suất kem chống nắng trên những người chưa bị ướt.
“Phương thức thử nghiệm như thế là rất khác nhau, và có lẽ rằng cách nghiên cứu của Consumer Reports đáng tin cậy hơn... Những người sử dụng kem chống nắng trong các kỳ nghỉ thường đi bơi, ở biển hoặc bể bơi” – Bác sĩ Cameron Rokhsar, Giáo sư làm việc tại Bệnh viện Mount Sinai (New York, Mỹ) nhận xét.
Ngoài các vấn đề về kem chống nắng, các nhà khoa học Mỹ khuyên mọi người nên mặc áo chống nắng, ở trong bóng râm và tránh ra ngoài vào thời điểm nắng gắt (10h sáng đến 13h chiều) để tránh bị cháy nắng, ung thư da.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Gần một nửa các sản phẩm kem chống nắng Mỹ chứa SPF thấp hơn thông tin trên nhãn tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].