Đó là trường hợp của bệnh nhân N. (ở Ba Vì, Hà Nội) được đưa tới Đơn nguyên Cấp cứu, BV ĐK huyện Ba Vì sau 2,5 giờ từ khi có dấu hiệu nhồi máu não.
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ Đơn nguyên Cấp cứu nhận định ông N. có dấu hiệu điển hình của cơn đột quỵ thể nhồi máu não.
Vừa đẩy bệnh nhân lên phòng chụp cắt lớp vi tính (CT-Scanner), BSCKI Nguyễn Đức Đa, phụ trách Đơn nguyên Cấp cứu đã lập tức kết nối hội chẩn online tới các bác sĩ cấp cứu, hồi sức tại BV ĐK Xanh Pôn (cách BV ĐK Ba Vì hơn 50km) để được hỗ trợ.
Ngay sau đó, chỉ định tiêm thuốc tiêu sợi huyết ngay tại phòng chụp CT - Scanner nhanh chóng được đưa ra. Bệnh nhân sau đó ổn định, dấu hiệu đau, mỏi dần thoái lui, cảm giác bàn tay dần hồi phục.
Sau đó, bệnh nhân N. được đưa lên BV ĐK Xanh Pôn chụp mạch, đánh giá tình trạng sau can thiệp rồi lại trở về BV ĐK huyện Ba Vì theo dõi, phục hồi chức năng.
Sáng 11/11, ông N. tươi cười, hóm hỉnh nói "giờ cầm tiền không sợ tiền rơi nữa rồi" để đánh giá sự hồi phục sau cơn tai biến nhờ bác sĩ cứu kịp thời.
Theo bác sĩ BV ĐK huyện Ba Vì, thuốc tiêu sợ huyết có vai trò giảm tỉ lệ tàn tật và tăng khả năng phục hồi vận động của người bệnh sau đột quỵ não.
Để đạt tác dụng, người bệnh cần được điều trị thuốc tiêu sợi huyết trong vòng 3 giờ kể từ thời điểm xuất hiện triệu chứng. Do đó người bệnh cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Chính vị vậy, việc bệnh nhân được điều trị ngay tại y tế tuyến cơ sở góp phần rất quan trọng trong việc giành lại sự sống và tránh được các di chứng nặng nề.
Phương pháp tiêu sợi huyết là phương pháp điều trị mới, dưới sự hỗ trợ của BV ĐK Xanh Pôn cùng sự nhiệt huyết, đồng lòng, tinh thần học hỏi của tập thể cán bộ, BV ĐK huyện Ba Vì đã điều trị thành công bệnh nhân bị nhồi máu não đầu tiên ngay tại bệnh viện.
Từ tháng 9/2023, mô hình “Bệnh viện chị em” được Sở Y tế Hà Nội thực hiện thí điểm. "Bệnh viện chị" là BVĐK Xanh Pôn và "Bệnh viện em" là BV ĐK huyện Ba Vì. Trong các hoạt động hỗ trợ có việc thành lập Đơn nguyên cấp cứu. Từ khi Đơn nguyên Cấp cứu đưa vào hoạt động, 2 bệnh viện đã thực hiện hội chẩn 24/7, đảm bảo hỗ trợ chuyên môn mọi lúc.
Hàng ngày, bác sĩ của BV ĐK Xanh Pôn sẽ thông qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa trao đổi chuyên môn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật và trực tiếp điều trị đối với những ca bệnh nặng, phức tạp.
Trong thời gian tới Đơn nguyên cấp cứu, BV ĐK huyện Ba Vì sẽ tiếp tục cập nhật nhiều kỹ thuật tiên tiến mới, hiện đại, phát huy đúng khẩu hiệu “ Cấp cứu thật nhanh giành lại sự sống”; phấn đấu trở thành địa chỉ tin cậy trong chăm sóc sức khỏe của người dân huyện Ba Vì và các vùng lân cận.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt Đề án 1816 của Bộ Y tế về Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới, ngành y tế Hà Nội còn sáng tạo mô hình "Bệnh viện chị em" nhằm hỗ trợ toàn diện, trách nhiệm, hiệu quả, bền vững để nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở.
Và với mô hình “Bệnh viện chị em”, điều vô cùng quan trọng, không thể thiếu quyết định sự thành công và tính bền vững của mô hình đó là cần ứng dụng tối đa công nghệ thông tin giữa các cơ sở: như khám bệnh từ xa, hội chẩn từ xa, đào tạo từ xa, đi buồng ảo, chuyển tuyến điện tử…
Thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, BV ĐK Xanh Pôn có thể hỗ trợ chuyên môn toàn diện, hàng ngày cùng lúc cho nhiều đơn vị y tế tuyến cơ sở.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Lần đầu tiên BV ĐK huyện Ba Vì cứu thành công người bệnh bị nhồi máu não bằng phương pháp tiêu sợi huyết tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].