Bị thay đổi tội danh, bác sĩ Hoàng Công Lương sẽ phải đối mặt với mức án 10 năm tù

Với tội danh "Vô ý làm chết người" mà Cơ quan điều tra đề nghị truy tố, thì bác sĩ Hoàng Công Lương có thể đối mặt với khung hình phạt có mức án cao nhất lên đến 10 năm tù.

Vụ án xảy ra tại đơn nguyên thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vào tháng 5/2017, có tất cả 9 nạn nhân bị chết đã được mở phiên toà xét xử vào hồi tháng 5/2018. 

Tại phiên toà, bác sĩ Hoàng Công Lương bị đề nghị 30- 36 tháng tù treo vì tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 

Hội đồng xét xử đã hoãn phiên toà, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vì nhiều tình tiết trong vụ án còn chưa được làm rõ. 

Đến ngày 24/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hoà Bình đã có kết luận điều tra bổ sung. Tuy nhiên, kết luận này đã thay đổi quyết định khởi tố bác sĩ Hoàng Công Lương từ “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” thành tội “Vô ý làm chết người”.

Việc thay đổi tội danh này sẽ cơ bản làm thay đổi mức án đối với bị cáo. 

Bác sĩ Hoàng Công Lương, ảnh Gia Đình Mới

Bác sĩ Hoàng Công Lương, ảnh Gia Đình Mới

Pháp luật quy định thế nào về tội "Vô ý làm chết người"?

Theo quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự 2015, nếu vô ý làm chết từ 02 người trở lên sẽ có thể bị phạt tù từ 3 đến 10 năm.

Vô ý làm chết người là hành vi của một người không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây ra chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra.

Trong khoa học pháp lý, lỗi của người phạm tội là vô ý, bao gồm cả vô ý do cẩu thả hoặc vô ý vì quá tự tin.

Vô ý vì cẩu thả là trường hợp do cẩu thả mà người phạm tội không thấy trước khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước.

Tiêu chuẩn để xác định một người phải thấy trướccó thể thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội là căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra sự việc, một người bình thường cũng có thể thấy trước; ngoài ra còn phải căn cứ vào độ tuổi, trình độ nhận thức, trình độ văn hoá, tay nghề…

Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, nhưng hậu quả đó vẫn xảy ra.

Bác sĩ Hoàng Công Lương có lỗi không?

Rất khó để xác định lỗi của bác sĩ Hoàng Công Lương trong tình huống này. Có thể phân tích các yếu tố xác định lỗi đối với bác sĩ này như sau:

Lỗi vô ý vì cẩu thả: 

Bác sĩ Lương sẽ bị coi là có lỗi trong trường hợp bác sĩ này buộc phải thấy  trước hậu quả xảy ra nhưng đã không thấy trước hậu quả vì cẩu thả. Như vậy, Cơ quan điều tra phải chứng minh, bác sĩ Lương là người buộc phải thấy trước hậu quả khi ấn nút máy chạy thận có thể làm bệnh nhân chết.

- Bác sĩ Lương sẽ không bị coi là có lỗi trong trường hợp bác sĩ này không buộc phải thấy trước hậu quả xảy ra khi ấn nút máy chạy thận là có thể khiến bệnh nhân phải chết. 

Có thể thấy, nghề của bác sĩ Lương là bác sĩ chứ không phải kỹ thuật viên phụ trách máy hoặc bảo dưỡng máy chạy thận. Bác sĩ Lương không thể biết được (bằng chuyên môn nghiệp vụ của mình) là máy chạy thận sau khi bảo trì có gây chết người hay không.

Lỗi vô ý vì quá tự tin

Rõ ràng, nếu bất kỳ 1 bác sĩ nào thấy trước việc ấn nút máy chạy thận có thể gây nguy hiểm tính mạng cho bệnh nhân thì sẽ không ai bấm nút cả.

Trong tình huống của bác sĩ Lương cũng vậy. Rất nhiều bệnh nhân đang chờ được lọc máu, nếu không chạy thận kịp thì tính mạng của bệnh nhân mới có thể gặp nguy hiểm. Do vậy, khó có thể nói, bác sĩ Lương thấy trước việc ấn nút là nguy hiểm nhưng tin rằng hậu quả không xảy ra nên vẫn cứ ấn nút.

Việc thay đổi tội danh nhiều lần đối với bác sĩ Hoàng Công Lương và trước đó tòa án đã trả lại hồ sơ điều tra bổ sung dẫn tới thay đổi tội dung lần này từ "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" sang "vô ý làm chết người" thể hiện sự lúng túng của cơ quan điều tra trong việc xác định lỗi của bác sĩ Lương, cũng như xác định tội danh khởi tố, truy tố.

Theo quy định của pháp luật, nghĩa vụ chứng minh hành vi phạm tội thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Do vậy, việc chứng minh bị can phạm tội "vô ý làm chết người" trước hết, Cơ quan điều tra sẽ phải chứng minh được lỗi của bác sĩ Lương trong vụ án này là gì.

Lỗi của bác sĩ Lương cũng sẽ là điểm mấu chốt để các luật sư tham gia tranh tụng bảo vệ cho thân chủ của mình nếu như Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát vẫn giữ quan điểm khởi tố, truy tố.

Luật gia Bình An

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính