Xu Sim hỏi tôi: ‘Mẹ ơi, tại sao ngày tết, sinh nhật, ai cũng chúc con học giỏi? Học giỏi quan trọng lắm phải không mẹ? Sao mẹ chẳng bao giờ chúc con học giỏi!’.
Hic hic, Ừ nhỉ!
Mẹ thấy Học giỏi là tốt, nhưng làm người tử tế còn quan trọng hơn!
Mỗi ngày tôi chỉ có 24h, và năng lượng chỉ có hạn, tôi chỉ tập trung vào những gì nhà trường không dạy.
Và ngay khi Xu Sim sinh ra, tôi đã nhìn thấy cái nhà trường không dạy là tính cách và giá trị sống! Các lớp kỹ năng sống cũng chưa đủ. Kỹ năng mới chỉ là ‘HOW’, còn phải dạy con ‘WHAT’ và ‘WHY’ nữa.
Chỉ có bằng cấp là ko đủ. Tất cả các giám đốc nhân sự tôi đã gặp đều khẳng định tính cách của ứng cử viên mới là điều quyết định.
Bạn phải rèn dạy thêm ở nhà. Chắc chắn! Những bài học này khó hơn, dày công hơn học toán, học tập làm văn nhiều.
Khó hơn vì nó không có sách giáo khoa với từng bài được thiết kế sẵn. Khó hơn vì xã hội đang thời mạt pháp, bạn dạy một đằng, ra ngoài con nhìn thấy một nẻo.
Khó hơn vì chính bạn đôi khi cũng hoang mang, rất hoang mang...
Giống như mỗi ngày mình đổ cho con 1 ly đầy những điều tử tế, con đi học, đi chơi, đi chợ, đi đường, con nhìn thấy chuyện này chuyện kia, ly nước đổ mất gần hết. Đành phải thế thôi.
Tối đó về mẹ lại phải đổ đầy cho con ly mới. Để rồi mai có gặp chuyện này chuyện kia, có bị đổ bớt, thì trong ly vẫn còn chút nào đó.
Chứ xã hội loạn quá rồi, buông con luôn thì không cứu được đâu.
Tôi dạy Xu Sim bằng cách ứng xử của mình mỗi ngày. Vì trẻ con chưa có lý luận, chưa có định giá được, nên tui nó sẽ tự xếp thứ tự việc gì tốt, viêc gì trung bình, việc gì xấu, việc gì xấu ít và việc gì cực kỳ xấu... thông qua cách người lớn phản ứng.
Kiểu như Bộ luật hình sự quy định chiếm đoạt 5 triệu thì tù bao nhiêu, còn lên 5 tỷ thì tù bao nhiêu. Cái gì mình phản ứng mạnh thì trẻ con sẽ cho nó vào ngăn quan trọng, cái gì mình bỏ qua thì trẻ sẽ nghĩ là ‘à, không sao đâu’.
Ví dụ 1 buổi chiều sau khi tôi đón Xu Sim về: ‘Mẹ ơi con được 10 điểm toán’! Tôi vẫn tay xào tay nấu, ko rời mắt khỏi bếp, gật đầu: ‘Ừ vậy à!’.
‘Mẹ ơi hôm nay con đã giúp một em bé lớp 1’. Tôi sẽ reo ầm lên. Tôi lập tức tắt bếp, đi ra, ngồi xuống thật thấp, ôm vòng sau lưng con, nhìn sâu vào đôi mắt của nó: ‘Con kể mẹ nghe đi! Em ấy gặp chuyện gì?.. Rồi con đã làm gì?... Sau đó con thấy em ấy làm sao?... Rồi con cảm thấy thế nào?...’
Tôi khai thác sự kiện tới nơi tới chốn, tôi còn giục con gọi điện thoại cho ai đó để khoe.
Khi nhà có khách, tôi lại lôi việc con đã giúp 1 em bé lớp 1 ra để kể lại. Rồi con chơi đẹp với bạn, con đã không ném rác ra đường thế nào...
Tôi còn khoe trên Facebook. Khi tôi nhận được khá nhiều likes, tôi lại cho Xu Sim xem: ‘Đấy, con thấy chưa, con làm việc tốt, con được ủng hộ nè!’...
Bài tập về nhà của con tôi không nhớ lắm đâu, nhưng những câu chuyện và ứng xử thì tôi nghe rất kỹ!...
Tôi nghĩ, việc học hành được các thầy cô trên lớp khen ngợi, kiểm tra, đánh giá và dọa dẫm đủ rồi. Ở nhà không cần đổ dầu thêm vào lửa đâu!
Với tông giọng khác, với mức độ khen thưởng khác, tôi muốn Xu Sim hiểu rằng, điểm cao là tốt, nhưng làm người tử tế thì còn quan trọng hơn nhiều nhiều nhiều!
Và phần thưởng đặc biệt của Xu năm lớp 4 là lời nhận xét của thầy giáo chủ nhiệm lớp: ‘Thầy thấy con luôn chào bác bảo vệ, chào cô lao công, con xếp hàng lấy đồ ăn lịch sự.
Đầu năm lớp có bạn mới tới nhập học, bạn chậm chưa bắt nhịp được với lớp thì Xu không trêu chọc, mà còn giúp bạn ấy!’
Và tôi thật sự mừng khi thấy Xu Sim biết rung động với 2 từ quyền năng đã giúp Lọ Lem đứng vững, đó là: Can Đảm và Tử Tế!
Thu HàBạn đang xem bài viết Bí quyết dạy con đức tính ‘can đảm và tử tế’ tại chuyên mục Dạy con của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].