Thời gian gần đây, lĩnh vực khám, chữa bệnh y học cổ truyền được mở rộng. Hiện cả nước có 66 bệnh viện khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền ở cả tuyến Trung ương và tuyến tỉnh. Có tới 88% bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cũng thành lập khoa Y học cổ truyền, tổ Y học cổ truyền. Tính đến hết năm 2019, cả nước đã có 83,2% trạm y tế có tổ chức khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 18.000 phòng khám, phòng chẩn trị do các bác sĩ, y sĩ, lương y được cấp phép hoạt động.
Tuy lĩnh vực y học cổ truyền đã phủ khắp nhưng hiện chi trả của bảo hiểm y tế (BHYT) cho lĩnh vực này vẫn còn rất thấp.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết: Hiện tỷ trọng thuốc đông y được BHYT thanh toán mới chỉ chiếm 4,5% trong tổng số chi trả của BHYT, giảm 3% so với giai đoạn trước dịch COVID-19. Chưa kể, trong giai đoạn từ năm 2015 tới nay, danh mục thuốc y học cổ truyền được BHYT thanh toán chưa được cập nhật.
Theo Hội Đông y Việt Nam, các hoạt động khám, chữa bệnh do hội viên Hội Đông y thực hiện chưa được BHYT thanh toán.
Bà Bùi Thị Phương Hoa, Trưởng Phòng khám Chuyên khoa y học cổ truyền Trường Xuân (trực thuộc Hội Đông y TP Hà Nội) cho biết: "Mỗi năm các cơ sở y học cổ truyền trên phạm vi toàn thành phố đã khám và điều trị cho trên 3 triệu lượt bệnh nhân. Nhu cầu khám chữa bệnh theo phương pháp y học cổ truyền của người dân đang có xu hướng ngày càng tăng nhưng bệnh nhân có thẻ BHYT lại không được hưởng quyền lợi BHYT. Tại phòng khám có nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn không được chi trả, chúng tôi còn phải hỗ trợ chi phí cho quá trình điều trị”.
Theo đó, tại các phòng khám, phòng chẩn trị y học cổ truyền được cơ quan có thẩm quyền cấp phép cũng chưa được BHYT thanh toán, làm hạn chế quyền lợi của người tham gia BHYT khiến người bệnh có tâm lý rút ngắn liệu trình điều trị hoặc không quay lại điều trị lần sau.
Do đó, việc sớm tháo gỡ những vướng mắc cho y học cổ truyền không những đảm bảo quyền lợi cho người dân tham gia BHYT, mà còn khuyến khích người dân khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
Bộ Y tế cũng như các ngành liên quan cần có sự điều chỉnh về vấn đề này để người dân tích cực tham gia đóng BHYT, trong đó có việc thăm khám và điều trị bệnh về đông y.
Theo các chuyên gia, không phải tất cả phòng khám đông y nào cũng đều có thể khám chữa bệnh bằng BHYT mà nên có bảng tiêu chí là những phòng khám nào đạt được tiêu chuẩn và phải tham gia ký kết với cơ quan BHYT về việc khám chữa bệnh. Chúng ta cần siết chặt quản lý để việc cấp phép cho những phòng khám điều trị bằng y học cổ truyền đúng tiêu chuẩn.
Cũng như các bệnh viện được phân thành các tuyến thì phòng khám YHCT cũng cần phải phân loại như thế.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết: Để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT khi chữa bệnh bằng y học cổ truyền, Vụ Bảo hiểm y tế và Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) đang phối hợp xây dựng dự thảo thông tư thay thế Thông tư 05 (năm 2015), trong đó tăng thêm danh mục các thuốc đông y được BHYT chi trả.
V.LinhBạn đang xem bài viết BHYT chi trả cho lĩnh vực y học cổ truyền vẫn còn thấp tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].