Ngày 23/1, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thường (Giám đốc BV đa khoa Đức Giang) cho biết nhiều người có nhu cầu chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19, đặc biệt là người từng mắc bệnh nặng, phải điều trị tích cực. Họ có thể gặp các di chứng như khó thở, hụt hơi, tức ngực, stress, mệt mỏi và mồ hôi, đau đầu, ho kéo dài, chóng mặt, ù tai, thay đổi vị giác, khứu giác... Những người này nên điều trị kịp thời để sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Vì vậy, từ một tháng trước, BV đã chuẩn bị nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu khám điều trị hậu COVID-19 tại Hà Nội. Phòng khám cung cấp dịch vụ tầm soát và điều trị toàn diện các di chứng của COVID-19, đánh giá nhu cầu can thiệp về dinh dưỡng, vật lý trị liệu - phục hồi chức năng...
Đây là BV công đầu tiên của Sở Y tế Hà Nội thành lập phòng khám hậu COVID-19. BV cũng đảm nhận điều trị F0 trung bình, nặng của Hà Nội.
Tại miền Bắc, đây là cơ sở thứ hai có đơn vị khám hậu COVID-19. Đơn vị đầu tiên là BV điều trị người bệnh Covid-19 (thuộc BV Đại học Y Hà Nội), mở khoa hồi phục chức năng cho F0 khỏi bệnh từ đầu tháng 1.
Di chứng sau COVID-19 là một trong những vấn đề sức khỏe được quan tâm hiện nay, gọi là "hội chứng hậu COVID" hoặc "hội chứng COVID kéo dài". Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về di chứng hậu COVID-19.
Thế giới đã có một vài nghiên cứu về vấn đề này từ tháng 10/2021. Trong đó, F0 khỏi bệnh gặp những triệu chứng dai dẳng kéo dài ít nhất hai tháng đến ba tháng trở lên, phổ biến là mệt mỏi, khó thở, có cả triệu chứng tâm thần, thậm chí rối loạn nhận thức. Những triệu chứng này có thể mới khởi đầu sau khi hồi phục COVID-19 hoặc dai dẳng kéo dài từ khi mới nhiễm bệnh.
Một số thống kê ghi nhận khoảng 33-76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19, trong đó 20% phải tái nhập viện, 80% cần theo dõi chăm sóc trong vòng hai tháng sau xuất viện.
V.LinhBạn đang xem bài viết Bệnh viện công lập đầu tiên ở Hà Nội có phòng khám điều trị hậu COVID-19 tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].