Báo Điện tử Gia đình Mới

Bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em có phải là bệnh lây qua đường tiêu hóa?

Phần lớn trẻ bị viêm gan cấp tính bí ẩn có triệu chứng khởi đầu ở đường tiêu hóa như buồn nôn, đau bụng và tiêu chảy… Do đó, các chuyên gia nhận định đây có thể là bệnh lây qua đường tiêu hóa.

Theo BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ được các nhà khoa học trên thế giới đánh giá là bệnh khá nặng dẫn đến 10% trẻ phải ghép gan, số ca nặng khá nhiều, số ca tử vong cao.

Ban đầu, bệnh xuất hiện rải rác ở một số nước châu Âu, châu Mỹ, Mỹ, Bỉ, nhưng phát hiện nhiều nhất ở Anh.

Các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới khẳng định, đây là một bệnh không phải do viêm gan A, B, C, D, E... gây ra và họ đặt tên là bệnh viêm gan chưa có căn nguyên.

Ở nước ngoài, vấn đề ghép gan để điều trị bệnh khá dễ dàng, nhưng ở Việt Nam thì khác, chi phí cho một cuộc ghép gan khá đắt đỏ và hơn nữa không phải lúc nào cũng có đủ gan để ghép. Vì vậy, nếu bệnh viêm gan cấp tính xuất hiện ở Việt Nam thì cũng rất lo ngại và đáng cảnh báo.

  Bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em có thể là bệnh lây qua đường tiêu hóa. Ảnh minh họa

Bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em có thể là bệnh lây qua đường tiêu hóa. Ảnh minh họa

Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền cho biết thêm, theo mô tả, phần lớn trẻ sẽ có triệu chứng khởi đầu ở đường tiêu hóa, trẻ buồn nôn, đau bụng và tiêu chảy. Sau đó vài ngày, trẻ có biểu hiện ở gan. Như vậy, khả năng cơ quan đầu tiên bị tấn công ở trẻ là đường tiêu hóa nên có thể đây là bệnh lây qua đường tiêu hóa.

Các chuyên gia trên thế giới đang nghiêng về ý kiến coi virus là nguyên nhân gây bệnh, bởi hầu hết triệu chứng ở các bệnh nhân đều giống nhau. Trẻ mắc bệnh này đều sốt, nôn, tiêu chảy, vàng da... Qua xét nghiệm ban đầu, rất nhiều mẫu bệnh phẩm chứa virus Adeno.

Để phòng ngừa bệnh viêm gan cấp tính, bác sĩ khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác, nâng cao vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi, ăn thực phẩm an toàn. Cha mẹ đề cao cảnh giác, nếu thấy trẻ có dấu hiệu nghi ngờ thì nên cho trẻ đi khám tại các cơ sở chuyên khoa y tế để trẻ được thăm khám và phát hiện kịp thời.

Đặc biệt lưu ý, cha mẹ không nên tự ý cho con uống thuốc vô tội vạ. Vì trẻ đang bị viêm gan nếu uống thuốc bừa bãi sẽ hỏng gan nhanh chóng, bệnh nặng thêm, gây khó khăn cho quá điều trị.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, đến ngày 7/5, thế giới có khoảng 278 trẻ mắc viêm gan cấp tính bí ẩn ở 20 nước, trong đó 9 trường hợp tử vong. 

Tại Việt Nam hiện vẫn chưa ghi nhận trường hợp trẻ mắc viêm gan bí ẩn. Tuy nhiên, để chủ động phòng bệnh, Bộ đã tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát và đề nghị các đơn vị theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình, phân tích dịch tễ bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân.

Các đơn vị y tế phải phối hợp với địa phương phân tích các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân và báo cáo ngay những trường hợp bất thường, đồng thời đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng chống tại Việt Nam.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO