Bệnh viện Phổi Trung ương vừa có hội nghị thông tin về Bệnh phổi kẽ. Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc bệnh viện, bệnh phổi kẽ không phải là nhóm bệnh mới nhưng thực tế chưa được quan tâm và hiểu biết một cách cặn kẽ ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Triệu chứng nhận biết của bệnh phổi kẽ là gì?
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, khó thở là triệu chứng nhận biết của bệnh phổi kẽ. Tuy nhiên khó thở cũng là biểu hiện của nhiều bệnh khác nên thường dễ nhầm lẫn và bị bỏ qua.
Do đó, nếu thấy khó thở mà không phải là hen, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thì nên đi khám sớm vì có thể mắc bệnh phổi kẽ.
Bệnh viện sẽ chẩn đoán hình ảnh, lúc đầu chẩn đoán trên phim thông thường, những thầy thuốc chuyên khoa cũng có thể nhận biết chỉ điểm nhưng để chính xác thì cần thực hiện các kỹ thuật cao như là các dấu ấn sinh học...
Theo thông tin từ bệnh viện, một số bệnh nhân bị bệnh phổi kẽ nhưng ít có triệu chứng điển hình. Như trường hợp nữ bệnh nhân 56 tuổi, nhập viện Phổi Trung ương vì khó thở nhẹ khi gắng sức (khi leo cầu thang 3-4 tầng). Tình trạng khó thở tăng dần, nhưng không ho, không đau ngực. Bệnh nhân dày và sạm da tăng dần, biểu hiện Raynaud, gầy sút 7kg, không đau khớp.
Bệnh nhân chưa có bệnh lý hô hấp trước đó, không có tình trạng phơi nhiễm.
Sau khi khám, bệnh nhân được chẩn đoán bị bệnh phổi kẽ NSIP - Xơ cứng bì toàn thể.
Những ai có nguy cơ mắc bệnh phổi kẽ, có thể chữa khỏi dứt điểm không?
PGS.TS Nhung cho hay, cũng có những bệnh nhân bị bẩm sinh, như xơ nang phổi. Nhưng đa số người mắc là trên 40 tuổi. Bệnh nghề nghiệp, bụi phổi cũng có thể gây nên bệnh phổi kẽ.
Điều trị bệnh phổi kẽ là suốt đời bởi quá trình xơ phổi là không hồi phục, cho nên cần phát hiện, điều trị càng sớm càng tốt để có thể cải thiện tình trạng.
Tại Việt Nam, trong những năm gần đây nhờ sự tiến bộ của các phương tiện thăm dò chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt chụp cắt lớp vi tính lồng ngực độ phân giải cao, tỉ lệ phát hiện bệnh nhân viêm phổi kẽ tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên do các biểu hiện của bệnh phổi kẽ trên lâm sàng là không đặc hiệu, việc chẩn đoán căn nguyên và phân loại bệnh phổi kẽ còn là thách thức lớn với các bác sĩ trên lâm sàng. Người bệnh phổi kẽ tại Việt Nam thường được phát hiện muộn khi đã có biến chứng của bệnh như suy hô hấp, tâm phế mạn với các biểu hiện xơ hóa nhu mô phổi không hồi phục trên phim chụp HRCT.
Do đó, nếu thấy khó thở, người dân hãy đi khám sớm để có thể phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Khoa Hô hấp Bệnh viện Phổi Trung ương hàng ngày điều trị cho từ 70 – 100 bệnh nhân. Tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh phổi mô kẽ khoảng 6-7% tổng số bệnh nhân trong khoa.
Bệnh viện Phổi Trung ương đã điều trị cho bệnh nhân mắc nhóm bệnh phổi kẽ và nhận thấy đây là căn bệnh tiến triển nhanh, tiên lượng xấu hơn cả bệnh ung thư nếu phát hiện muộn.
Do đó, bệnh viện quyết định thành lập chương trình Bệnh phổi kẽ để người dân tiếp cận với dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh phổi kẽ tiêu chuẩn.
Xem thêm: Một bệnh có thời gian sống ngắn hơn cả bị K: 50% bệnh nhân qua đời sau 2,5 năm phát hiện
V.LinhBạn đang xem bài viết Căn bệnh tiến triển nhanh, thời gian sống ngắn: Một triệu chứng rất điển hình, cần đi khám sớm tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].