Bệnh tiến triển nhanh, tiên lượng xấu hơn cả ung thư
Đó là bệnh phổi kẽ.
Sáng nay 19/12, bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức hội nghị giới thiệu về bệnh phổi kẽ. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi TƯ thông tin: Bệnh phổi kẽ là bệnh gây ra các tổn thương ở mô kẽ của phổi. Các tổn thương viêm/xơ dẫn đến hạn chế quá trình trao đổi khí, gây khó thở. Bệnh tiến triển thành xơ phổi, là tổn thương không thể hồi phục.
Bệnh phổi kẽ là nhóm bệnh lý khá đa dạng, mặc dù không phải nhóm bệnh mới xuất hiện nhưng thực tế chưa được quan tâm và hiểu biết một cách cặn kẽ ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Nhóm này gồm rất nhiều bệnh lý khác nhau, tỉ lệ mắc không cao, triệu chứng không đặc hiệu, có nhiều bệnh có những đặc điểm về triệu chứng lâm sàng và hình ảnh học khá tương tự với nhiều bệnh lý hô hấp khác nên việc tiếp cận chẩn đoán và phân loại là một thách thức với các bác sĩ lâm sàng. Thêm vào đó, việc điều trị cũng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về thuốc men, phương tiện, giá thành cao.
Trong nhóm này, có một số bệnh phổi kẽ, nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, tổn thương phổi có thể không hồi phục và tiến triển thành mạn tính, gây xơ phổi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hô hấp, cuộc sống của người bệnh. Có những bệnh tiến triển nhanh, tiên lượng còn xấu hơn cả ung thư.
Bệnh nhân mắc bệnh phổi kẽ tiên lượng rất xấu: 50% bệnh nhân tử vong sau 2,5 năm phát hiện, có trường hợp chỉ vài tháng.
Một yếu tố duy nhất có thể can thiệp được để kéo dài thời gian đó là phát hiện sớm, điều trị đúng.
Nếu phát hiện và điều trị sớm dưới 1 năm thì tỷ lệ sống là 80%; Nếu từ 1-2 năm mới phát hiện và điều trị thì tỷ lệ sống còn 60%; phát hiện khi đã mắc từ 2 - 4 năm chỉ còn 40% tỷ lệ sống...
Do đó, việc chẩn đoán sớm và chính xác giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh, tăng hiệu quả điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh là rất cần thiết.
Bệnh phổi kẽ khó chẩn đoán, cần thiết thành lập chương trình bệnh phổi kẽ
Về mặt dịch tễ, tỉ lệ mắc của từng bệnh phổi kẽ không cao, nhưng tổng hợp chung cả nhóm bệnh phổi kẽ cũng gây ảnh hưởng lên 1 số lớn người bệnh với tần suất mắc 76/100.000 dân tại Châu Âu và 74,3/100000 dân ở Hoa Kỳ. Trong nhóm bệnh lý này, 3 bệnh phổi kẽ phổ biến nhất là Sarcoidosis, Bệnh phổi kẽ liên quan đến bệnh mô liên kết và Xơ phổi vô căn với tỉ lệ tương ứng là 30,2; 12,1; 8,2 ca trên 100.000 dân.
Việt Nam thì chưa có số liệu nên cũng chưa biết là bao nhiêu. Bệnh phổi kẽ rất khó chẩn đoán, bệnh nhân có thể bị chẩn đoán nhầm lẫn ít nhất 1 lần. Nhóm bệnh này cần hợp tác nhiều chuyên khoa, cần điều phối hiêu quả.
BV Phổi TƯ đã quan tâm đến bệnh phổi kẽ từ nhiều năm nay. Tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh phổi mô kẽ khoảng 6-7% tổng số bệnh nhân trong khoa Hô hấp của bệnh viện.
Từ năm 2020, Bệnh viện đã thành lập Hội đồng Đa chuyên khoa cho bệnh phổi Kẽ. Mỗi bệnh nhân sẽ được làm 1 bệnh án đưa ra hội đồng đa chuyên khoa gồm nhiều bệnh viện: Bệnh viện 108, bệnh viện 103, bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên, Bệnh viện Tâm Anh, ... để đưa ra chẩn đoán và phác đồ điều trị cho bệnh nhân, sau đó mỗi bệnh án đều được đưa vào hệ thống lưu trữ thông tin để theo dõi. Đến nay, Hội đồng đã hỗ trợ chẩn đoán và điều trị cho một số lượng lớn các bệnh nhân từ nhiều cơ sở y tế thông qua cơ chế phối hợp hiệu quả.
Đồng thời Bệnh viện cũng đầu tư nhiều kỹ thuật mới sinh hoá miễn dịch vi sinh, giải phẫu bệnh và chẩn đoán hình ảnh phục vụ cho tiếp cận chẩn đoán và điều trị Bệnh phổi kẽ trong những năm gần đây.
Để phát huy một trung tâm bệnh phổi kẽ cùng với trách nhiệm và truyền thống xây dựng mạng lưới của Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện thành lập Chương trình Bệnh phổi kẽ để huy động được sự tham gia của đông đảo các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng như huy động nguồn lực và cơ chế hợp tác phát triển kỹ thuật hiện đại, xây dựng mạng lưới để người dân tiếp cận được thuận lợi và hiệu quả với chuẩn kỹ thuật quốc tế với giá thành phù hợp nhất.
V.LinhBạn đang xem bài viết Một bệnh có thời gian sống ngắn hơn cả bị K: 50% bệnh nhân qua đời sau 2,5 năm phát hiện tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].