Theo GS.TS Nguyễn Văn Đề, Nguyên trưởng bộ môn ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội, giun lươn gây viêm ruột, loét dạ dày – tá tràng, loét ruột, chui ra dưới da và chui lên phổi gây ho, hen, đôi khi chui vào não.
Bệnh nhiễm giun lươn hình thành do ấu trùng giun lươn xâm nhập vào cơ thể bằng cách chui qua da, đi theo đường tĩnh mạch chạy lên tim, qua phổi rồi tới khí quản, hầu, sau đó di chuyển xuống thực quản và ruột để sinh trưởng thành giun trưởng thành.
Giun lươn được xếp vào loại ký sinh trùng nguy hiểm nhất trong các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa do nó có thể tồn tại rất lâu trong cơ thể người và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong.
Giun lươn trưởng thành thường sống ở niêm mạc ruột non và đẻ trứng tại đây, chúng có thể sống ở môi trường bên ngoài. Trứng giun lươn phát triển thành trùng dạng tự do và chúng bị đào thải qua phân.
Khi trứng giun lươn ra ngoài môi trường, một số ấu trùng tiếp tục phát triển thành giun trưởng thành và đẻ trứng trong đất. Các ấu trùng này có thể tiếp tục xâm nhập và cơ thể và ký sinh trong cơ thể người bệnh.
Những dấu hiệu cảnh báo cơ thể nhiễm giun lươn
- Đau bụng vùng thượng vị
- Ỉa chảy
- Viêm da tại chỗ khi có ấu trùng xâm nhập vào cơ thể
- Xét nghiệm máu thấy thiếu máu nhẹ
- Lên cơn hen với người bị cơ địa dị ứng
- Giun lươn lạc chỗ có thể ký sinh ở thực quản, phổi, hạch bạch huyết
- Phân có mùi hôi tanh…
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, hầu hết các ca nhiễm giun lươn thường không có triệu chứng hoặc đôi khi chỉ có mẩn ngứa hay các nốt giun di chuyển ngoằn ngoèo dưới da hoặc ậm ạch khó tiêu, táo bón hoặc tiêu chảy xen kẽ.
Và những bệnh nhân này nếu vì lý do gì đó bị suy giảm miễn dịch sẽ khởi phát siêu nhiễm dẫn đến tình trạng rất nặng với các biểu hiện viêm phổi nặng, nhiễm trùng máu do các vi khuẩn đường ruột, nhiễm ấu trùng giun lươn lan tỏa ở nhiều vị trí như màng não, màng tim, mắt… và tỷ lệ tử vong cao.
Việc điều trị giun lươn sẽ mất nhiều thời gian và chi phí, do vậy, việc phòng bệnh hơn chữa bệnh luôn được ưu tiên hàng đầu. Để phòng bệnh nhiễm giun lươn cần lưu ý các vấn đề dưới đây:
- Vệ sinh phòng dịch: quản lý tốt phân, nước và rác thải trong môi trường sống. Vệ sinh môi trường khu vực gần nhà, trong nhà và các khu vực vui chơi của trẻ nhỏ
- Vệ sinh cá nhân: Xây dựng nếp sống văn minh, luôn rửa tay trước khi ăn, khi chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh, không ăn rau sống khi chưa được rửa sạch
- Định kỳ 2 lần/ năm cần được tẩy giun, mỗi lần cách nhau 4 – 6 tháng.
- Đảm bảo luôn sử dụng bảo hộ lao động trong khi làm việc có tiếp xúc với đất, đặc biệt là khu vực đất nhiễm phân người.
- Tăng cường sức đề kháng cơ thể bằng cách bổ sung rau quả tươi, sạch, luyện tập thể dục hàng ngày, và giúp tránh tình trạng suy giảm miễn dịch, tránh gây bùng phát dịch
- Nâng cao ý thức người dân trong việc dọn vệ sinh cộng đồng, xây dựng hệ thống cống rãnh và xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn.
L.MinhBạn đang xem bài viết Bệnh nhiễm giun lươn nguy hiểm như thế nào? tại chuyên mục Y tế 24h của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].