Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Hy hữu: Bệnh nhi bị viêm não Nhật Bản hồi tỉnh sau 2 năm sống thực vật

Bệnh nhi Bùi Công Thạch (SN 2004, Hòa Bình) bị viêm não Nhật Bản và rơi vào trạng thái sống thực vật suốt 2 năm qua, nhưng thật bất ngờ mới đây bé đã tự hồi phục khi cười, nhận biết sự vật xung quanh.

  Bác sĩ Hoàng Công Tình phát hiện Thạch nhận biết được sự việc xung quanh sau 2 năm sống thực vật.

Bác sĩ Hoàng Công Tình phát hiện Thạch nhận biết được sự việc xung quanh sau 2 năm sống thực vật.

Kỳ diệu bệnh nhi viêm não Nhật Bản hồi phục sau 2 năm sống thực vật

Thông tin với phóng viên Gia Đình Mới, bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu tích cực, bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết: "Bệnh nhi Bùi Công Thạch vừa phục hồi sức khỏe sau 2 năm sống trong trạng thái thực vật. Chúng tôi rất bất ngờ và mừng khi Thạch đã nhận biết được sự vật xung quanh, làm theo sự hướng dẫn của bác sĩ".

Trước đó, năm 2017 Thạch đang học lớp 8, sau 1 lần đi đá bóng về, tắm xong Thạch bị sốt cao miên man, gia đình đưa xuống bệnh viện Nhi Trung ương thì được thông báo Thạch bị viêm não Nhật Bản, lâm vào hôn mê, thở máy và liệt tứ chi.

Sau 6 tháng điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương, Thạch được chuyển về bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, điều trị theo phác đồ của bệnh viện Nhi Trung ương, nhằm đảm bảo các chỉ số sinh tồn và phục hồi các chức năng sống.

  Bố mẹ Thạch vui mừng khi thấy con có tiến triển tốt.

Bố mẹ Thạch vui mừng khi thấy con có tiến triển tốt.

Điều kỳ diệu đã xảy ra, vài ngày trước, bác sĩ Hoàng Công Tình phát hiện cháu Thạch bỗng nhiên có sự tiến triển về hệ thần kinh, tri giác, có dấu hiệu nhận biết được các sự vật xung quanh.

Cháu có thể làm theo các động tác mà các y, bác sỹ hướng dẫn, hay khi trao đổi ngôn ngữ cháu đã biết cười và làm một số động tác.

"Đây được coi là sự hồi phục thần kỳ và bất ngờ đối với các y, bác sĩ. Trong y văn có nói đến các trường hợp bị liệt sau đó hồi phục trở lại, vì thế gia đình, thầy thuốc các nhà hảo tâm càng quyết tâm giúp cháu bé này. Bước đầu não của cháu đã có dấu hiệu hồi phục, thầy thuốc không thể nói trước được điều gì, chỉ biết cháu đã tốt hơn ngày hôm qua" - bác sĩ Tình chia sẻ.

Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình chia sẻ thêm, tiếp theo, các bác sĩ sẽ từng bước điều trị bằng các biện pháp tâm lý hồi phục não của bệnh nhân, tập cho cháu ăn nuốt, cai máy thở... 

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Bác sĩ Hoàng Công Tình cho biết, Viêm não Nhật Bản là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây qua muỗi đốt.

  Bác sĩ Hoàng Công Tình khuyên các gia đình cần cho trẻ đi tiêm phòng đủ, đúng lịch.

Bác sĩ Hoàng Công Tình khuyên các gia đình cần cho trẻ đi tiêm phòng đủ, đúng lịch.

Sở dĩ nói viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bởi vì người mắc bệnh bị virus tấn công và phải chịu những tổn thương ở hệ thần kinh trung ương, trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng, dẫn đến tử vong.

Thông thường, nếu người bệnh viêm não Nhật Bản qua khỏi thì có thể gặp phải các di chứng thần kinh, tâm thần (chiếm 50%): Liệt vận động, chậm phát triển trí tuệ (bại não), mất ngôn ngữ, giảm trí nhớ nghiêm trọng, rối loạn tâm thần hoặc hôn mê, nghe kém hoặc điếc...

Điều đáng nói là bệnh viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu thường giống với bệnh viêm não hoặc viêm màng não khác, chủ yếu khởi phát từ sốt cao.

Các triệu chứng lâm sàng của bệnh rất khó phân biệt giữa các chủng virus nên việc chẩn đoán cần chờ kết quả xét nghiệm xác định virus.

Vài ba ngày sau đó, triệu chứng của bệnh mới rõ rệt hơn như: Sốt cao đột ngột, nhức đầu dữ dội, buồn nôn hoặc nôn, đau khớp, cứng gáy, loạng choạng, đờ đẫn, rối loạn ý thức, hôn mê, nói nhảm, liệt... Bệnh diễn biến rất nhanh, có thể dẫn đến co giật, hôn mê chỉ sau 3 ngày mắc bệnh.

Bác sĩ Tình cho biết, để phòng chống viêm não Nhật Bản, biện pháp đặc hiệu tối ưu đó là tiêm chủng vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ em với 3 liều cơ bản: Mũi thứ 1 tiêm lúc trẻ được 1 tuổi, mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất từ 1 đến 2 tuần; mũi thứ 3 tiêm cách mũi thứ 2 khoảng 1 năm.

Sau đó, cứ mỗi 3 năm nên tiêm nhắc lại 1 lần cho đến khi trẻ đủ 15 tuổi. Hiện nay còn có vắc xin phòng viêm não Nhật Bản thế hệ mới, có thể tiêm cho trẻ khi trẻ đủ 9 tháng tuổi trở lên, số lượng mũi cũng được tiêm giảm đi,chỉ cần tiêm 1 - 2 mũi.

Bên cạnh đó, mọi người cũng cần thực hiện các biện pháp khác để phòng, chống bệnh như: phòng chống muỗi đốt bằng cách ngủ màn kể cả ban ngày ở những nơi nhiều muỗi, sử dụng thuốc hoặc hóa chất để diệt muỗi, không cho trẻ em chơi ở nơi có chuồng gia súc; khu chăn nuôi, nên đặt chuồng trại ở xa nhà, phát quang bụi rậm xung quanh, khơi thông cống rãnh để hạn chế muỗi sinh sôi và phát triển.

Đặc biệt, khi trẻ dấu hiệu sốt cao đột ngột cần đưa đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm nếu có viêm não Nhật Bản xảy ra.

Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO