Được biết, ngày 13/6, bà N.T.B. (SN 1961, quê ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội) được gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai do có dấu hiệu bất thường về hô hấp.
Sau khi chụp CT ngực cho bệnh nhân, phát hiện có xẹp thùy giữa phổi phải - giãn phế quản thùy giữa nên đã được chỉ định nội soi phế quản tại Trung tâm Hô hấp để tìm nguyên nhân.
Bệnh nhân cũng đã đươc làm đầy đủ các xét nghiệm cần thiết trước khi tiến hành thủ thuật nội soi theo quy định.
Trong quá trình tiến hành thủ thuật cho bệnh nhân B. vào sáng 14/6/2018, kíp nội soi phát hiện thấy có khối u phế quản nên đã tiến hành sinh thiết cho bệnh nhân và biến chứng chảy máu nặng trong lòng phế quản đã xảy ra trong khi đang tiến hành thủ thuật.
Bệnh nhân suy hô hấp nặng, ngừng tuần hoàn, đã được được xử trí cấp cứu ngừng tuần hoàn, đặt nội khí quản tích cực, sau đó tim đã đập trở lại. Bệnh viện đã khẩn trương tổ chức hội chẩn toàn viện để đánh giá tình hình bệnh nhân và tiếp tục các kỹ thuật hồi sức tích cực cho bệnh nhân.
Đến 11 giờ 50 phút ngày 14/6, bệnh nhân B. được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện. Lúc này bệnh nhân lại tiếp tục ngừng tuần hoàn. Sau 2 giờ 45 phút được các bác sĩ, điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực tiếp tục tiến hành cấp cứu hồi sức nhưng không có kết quả.
Về trường hợp tử vong của bệnh nhân B., TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, đây là một tai biến đáng tiếc có thể xảy ra khi thực hiện các thủ thuật xâm lấn.
Trên thực tế, trước khi thực hiện thủ thuật, các bác sĩ đã thông báo rõ tới gia đình bệnh nhân về sự hiện diện của khối u, sự cần thiết tiến hành thủ thuật để xác định nguyên nhân và điều trị cũng như giải thích rõ những nguy cơ, tai biến, thậm chí có thể tử vong ngay trong quá trình thực hiện. Gia đình bệnh nhân cũng đã hiểu và chấp nhận ký cam kết đồng ý trước khi thực hiện thủ thuật.
Cũng theo thông tin của TS Hùng, đối với trường hợp bệnh nhân B., sau khi tập trung nguồn lực cao nhất để cấp cứu cho bệnh nhân nhưng không thành công, đại diện Lãnh đạo hai khoa liên quan đã trực tiếp gặp gỡ, chia sẻ và động viên gia đình. Lãnh đạo Bệnh viện cũng chỉ đạo sẽ tổ chức 1 cuộc họp hội đồng chuyên môn sớm nhất, gồm các chuyên khoa có liên khoa để xem xét đánh giá việc thực hiện tuân thủ các quy trình chuyên môn, nguyên nhân tử vong của bệnh nhân B. và nghiêm túc xử lý nếu phát hiện ra sai phạm.
Linh Nhi/GIADINHMOIBạn đang xem bài viết Bệnh nhân tử vong sau khi nội soi phế quản tại Bệnh viện Bạch Mai tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].