Bác sĩ Nguyễn Văn Chúc, Phó khoa Hồi sức Chống độc (BV Đa khoa Yên Bái) cho biết, BV đang điều trị cho bệnh nhân Trần Thị Sách (63 tuổi, huyện Trấn Yên, Yên Bái) bị sốc nhiễm khuẩn suy đa tạng, viêm phổi nặng, vi khuẩn tìm thấy là E.coli.
Theo hồ sơ bệnh án, trước khi nhập viện, bệnh nhân đi ngoài 2 ngày, sốt cao, rét run nên đến BV thăm khám. Theo bác sĩ Chúc, Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng khó thở, đau bụng vùng thượng vị và quanh rốn, tình trạng nhiễm trùng toàn thân rõ, mạch nhanh, huyết áp tụt.
Ngay sau đó, bệnh tình diễn biến nhanh, suy hô hấp, suy gan, suy thận. Bệnh nhân được hội chẩn và chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn đường vào tiêu hóa do vi khuẩn E.coli.
Ngay sau đó, bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục, hiện đã lọc được 4 lần, mỗi lần từ 12 đến 18 tiếng. Sau 13 ngày, tình trạng bệnh nhân đã đỡ, huyết động ổn định, chức năng gan cải thiện, hiện vẫn suy thận nên các bác sĩ tiếp tục điều trị.
Bác sĩ Chúc cho biết, nguyên nhân sốc nhiễm khuẩn thường là bệnh nhiễm khuẩn mà không được điều trị đúng. Vì vi khuẩn có rất nhiều đường vào như từ da, máu, tiêu hóa mà không được điều trị đúng sẽ dẫn đến bệnh nặng.
Nếu đến viện muộn, tình trạng sốc sẽ xảy ra. Nếu bị sốc nhiễm khuẩn thì tỷ lệ tử vong cao. Hiện nay, ngành Y đã áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để điều trị.
Tuy nhiên, gia đình phải tốn kém do chi phí lớn. Hơn nữa, dù được cứu sống nhưng cơ thể bệnh nhân sẽ suy kiệt, phải mất nhiều thời gian mới hồi phục trở lại.
H.NBạn đang xem bài viết Bệnh nhân suy đa phủ tạng do mắc tiêu chảy tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].