Bệnh não úng thủy là gì?
Bệnh não úng thủy hay còn gọi là đầu nước, là tình trạng ứ đọng quá nhiều dịch bên trong não bộ.
Lượng dịch quá nhiều có thể gây tăng áp lực bên trong não bộ gây tác động sự phát triển bình thường của não.
Theo bác sĩ Trương Mai Hồng, BV Nhi Trung ương, có nhiều nguyên nhân gây bệnh não úng thủy ở trẻ nhỏ, có thể do nhiễm trùng từ trong bào thai, u não và có thể là do bẩm sinh…
Hiện có 2 phương pháp chính để điều trị bệnh não úng thủy là: dẫn lưu não thất hay còn gọi là “đặt ống”, “đặt van” và phương pháp nội soi mở thông sàn não thất. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, tình trạng của bệnh nhi, hình ảnh chụp cắt lớp não… mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp để giúp trẻ có được sự phát triển chức năng thần kinh tối ưu nhất.
Khi trẻ bị não úng thủy, nếu không được phẫu thuật sớm nhu mô não bị chèn ép, gây ra những di chứng nghiêm trọng cho sức khỏe của trẻ như mù, điếc, liệt hai chi...
Tuổi phẫu thuật tốt nhất cho trẻ là dưới sáu tháng tuổi hoặc càng sớm càng tốt ngay sau khi phát hiện bệnh.
Nếu trẻ được mổ sớm đầu sẽ không bị to ra và trí tuệ của trẻ vẫn phát triển được như trẻ bình thường.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị bệnh não úng thủy
Những dấu hiệu khi trẻ mắc bệnh não úng thủy gồm:
- Những bé có vòng đầu lớn bất thường, có thể dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường.
- Thóp trước và thóp sau phồng, ấn vào cảm giác căng, da đầu mỏng do bị kéo căng theo kích thước vòng đầu, mạch máu nổi rõ dưới da đầu.
- Trẻ bị bệnh thường bỏ bú, nôn mửa, mắt nhìn lệch xuống dưới, ít chuyển động.
- Trẻ hay bị co giật, dễ kích thích, tay chân kém linh hoạt.
Não úng thủy là một căn bệnh rất nguy hiểm, làm tổn thương trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương nên trẻ bị não úng thủy sẽ bị những di chứng trầm trọng nếu không điều trị sớm và đúng cách.
Để giảm thiểu nguy cơ trẻ sinh ra bị bệnh não úng thủy, các bác sĩ khuyến cáo:
- Các bà mẹ khi mang thai cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nhất là các vitamin, acid folic thông qua các loại rau quả và ngũ cốc.
- Thực hiện khám thai đầy đủ, đúng lịch, tiêm đủ các loại vaccine phòng bệnh theo khuyến cáo của bác sĩ.
- Khi trẻ được sinh ra, cần bảo vệ bé tránh bị những chấn thương vùng đầu như: loại bỏ những vật không an toàn khi bé tập bò, tập đi, sử dụng nôi có lan can bảo vệ hoặc thanh chắn để bé không bị té ngã.
- Thực hiện việc tiêm chủng cho trẻ đầy đủ để làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến não.
Bệnh não úng thủy không phải là căn bệnh chỉ gặp ở trẻ em mà người lớn vẫn có bệnh lý này và thường gặp ở những bệnh nhân chấn thương đầu hoặc có những bệnh lý não bộ. Các triệu chứng bệnh ở người lớn có thể bao gồm: suy giảm trí nhớ và tư duy; gặp khó khăn trong việc đi lại; mất kiểm soát việc đi tiểu…
An AnBạn đang xem bài viết Bệnh não úng thủy là gì? Cách nhận biết sớm trẻ bị não úng thủy tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].