Bệnh chân tay miệng ở trẻ em là gì?
Bệnh chân tay miệng là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Bệnh nếu không được ngăn chặn kịp thời có thể bùng phát thành dịch lớn.
Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc-xin phòng bệnh.
Theo các bác sĩ, bệnh chân tay miệng xuất hiện quanh năm, tuy nhiên mùa hè hoặc khi thời tiết nóng là thời điểm thuận lợi để các loại virus gây hại xâm nhập và phát triển thành bệnh.
Trẻ nhỏ mắc chân tay miệng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nặng như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp thậm chí dẫn đến tử vong.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ có 4 cấp độ
Cụ thể:
- Cấp độ 1:
Đây là cấp độ bệnh tương đối nhẹ và có thể điều trị tại nhà, bệnh thường có biểu hiện loét miệng và/hoặc tổn thương da.
- Cấp độ 2:
Ở giai đoạn này, người bệnh sẽ có những biểu hiện thường gặp như giật mình dưới 2 lần/30 phút; sốt trên 2 ngày, hay sốt trên 39 độ, nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ.
Trong cấp độ 2 của bệnh, bệnh nhân sẽ được phân vào những nhóm bệnh khác nhau với những biểu hiện đặc trưng và cách điều trị phù hợp cho từng nhóm.
Tay chân miệng độ 2a:
Trẻ có dấu hiệu giật mình dưới 2 lần trong vòng 30 phút, lúc khám không ghi nhận triệu chứng này. Sốt cao liên tục trên 2 ngày, có lúc sốt trên 39 độ. Nôn, khó ngủ, lừ đừ, chán ăn.
Tay chân miệng độ 2b:
Tay chân miệng độ 2b được chia thành 2 nhóm, phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Nhóm 1:
+ Giật mình nhiều, ghi nhận được tại lúc khám, giật mình trên 2 lần trong vòng 30 phút. Mạch đập nhanh trên 150 lần/phút ngay cả khi nằm yên. Sốt cao trên 39 độ ngay cả khi đã uống hạ sốt.
Nhóm 2:
+ Cơ thể loạng choạng, ngồi không vững, chân tay run, run toàn thân, mắt lác, liệt chi, giọng nói thay đổi, nuốt bị sặc.
- Cấp độ 3:
Những dấu hiệu của bệnh tay, chân, miệng cấp độ 3 thường thấy như: Mạch đập chậm (dấu hiệu rất nặng); vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú; HA tăng; thở nhanh, thở bất thường; rối loạn tri giác (Glasgow < 10 điểm); tăng trương lực cơ...
- Cấp độ 4:
Nếu trường hợp bị tay chân miệng cấp độ 4, thì bắt buộc phải được đưa đi bệnh viện ngay lập tức và thực hiện điều trị.
Hướng xử lý với các cấp độ:
- Cấp độ 1 và cấp độ 2: Bệnh nhân có thể tự điều trị tại nhà dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời, trong điều trị cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bé. Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh.Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.
- Cấp độ 3, 4: Điều trị nội trú tại đơn vị hồi sức tích cực. Trong điều trị, các bác sĩ sẽ theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, tri giác... Giai đoạn này bắt buộc phải điều trị tại bệnh viện, vì nếu có trường hợp bất ngờ các bác sĩ có thể xử lý và khắc phục ngay được cho người bệnh tay chân miệng.
Dấu hiệu điển hình trẻ mắc tay chân miệng
Tùy theo cấp độ mắc bệnh tay chân miệng mà trẻ sẽ có những dấu hiệu khác nhau. Tuy nhiên, dấu hiệu sớm để cảnh báo căn bệnh này bao gồm:
- Thường trẻ sốt nhẹ ở 37,5-38 độ C hoặc sốt cao 38-39 độ C.
- Loét miệng do các bóng nước đường kính 2-3 mm trên niêm mạc miệng vỡ ra tạo thành những vết loét, làm cho trẻ rất đau khi ăn và tăng tiết nước bọt.
- Bóng nước xuất hiện trên lòng bàn tay, lòng bàn chân, niêm mạc miệng, đầu gối, mông, ấn vào không đau.
- Một số trường hợp bóng nước xuất hiện rất ít xen kẽ với những hồng ban; hoặc không có bóng nước mà chỉ hồng ban đơn thuần, hay chỉ loét miệng đơn thuần.
- Triệu chứng báo hiệu bệnh nặng: Sốt cao không giảm, nôn ói nhiều, tay chân run, dáng đi loạng choạng, thở nhanh, khi ngủ hay bị giật mình.
Nguyên nhân gây bệnh chân tay miệng
Tác nhân gây bệnh chân tay miệng là virus Coxsackie. Virus này có khả năng lây lan rất nhanh qua đường miệng hoặc các chất tiết từ mũi miệng hay phân của trẻ bệnh. Các đường lây truyền bệnh chủ yếu:
- Trẻ lành tiếp xúc trực tiếp với trẻ bệnh; bị nhiễm bệnh do hít phải nước bọt của trẻ bệnh văng ra trong lúc ho hay hắt hơi.
- Do trẻ lành cầm nắm đồ chơi hay chạm vào sàn nhà có dính nước bọt, chất tiết mũi họng của trẻ bệnh.
- Lây qua bàn tay của người chăm sóc trẻ.
Virus xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc miệng hay ruột vào hệ thống hạch bạch huyết, từ đó phát triển rất nhanh gây ra các tổn thương da và niêm mạc.
Điều trị bệnh chân tay miệng
Trẻ bị bệnh chân tay miệng hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ (không dùng kháng sinh khi không có bội nhiễm).
Cha mẹ cần lưu ý những vấn đề sau khi chăm sóc, điều trị trẻ bị chân tay miệng:
- Nếu trẻ bị sốt trên 38,5 độ cần: cho uống thuốc hạ sốt, tái khám mỗi ngày cho đến khi trẻ cắt cơn sốt ít nhất 48 giờ.
- Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng cho trẻ. Trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ.
- Vệ sinh răng miệng.
- Nghỉ ngơi, tránh kích thích.
- Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị đặc biệt khi có một/một số các triệu chứng sau:
Sốt cao ≥ 39 0C.
Thở nhanh, khó thở.
Giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều.
Đi loạng choạng.
Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh.
Co giật, hôn mê.
Câu hỏi thường gặp về bệnh chân tay miệng Trẻ em mắc chân tay miệng bao lâu thì khỏi?
Nếu trẻ mắc bệnh tay chân miệng thể nhẹ, không có biến chứng thì sẽ khỏi trong vòng 10 - 12 ngày. Trong thời gian trẻ mắc bệnh, cha mẹ lưu ý không cho con đi học để tránh lây lan bệnh cho trẻ khỏe mạnh, gây bùng phát dịch.
Bệnh chân tay miệng ở trẻ em cần kiêng gì?
Khi trẻ mắc bệnh chân tay miệng, cha mẹ không cần lưu ý kiêng cữ gì đặc biệt, tuy nhiên để tránh bệnh lây lan ra cộng đồng, cha mẹ cần:
- Rửa các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà phòng rồi khử trùng bằng Chloramin B 5%.
- Hạn chế thói quen trẻ ngậm mút tay. Không cho trẻ nhỏ ngậm vú giả. Cắt móng tay và móng chân cho trẻ sạch sẽ.
- Cha mẹ, người chăm sóc rửa tay sạch sẽ với xà phòng sau khi chăm trẻ bị bệnh.
Có thể điều trị bệnh chân tay miệng ở nhà hay không?
Nếu trẻ có các triệu chứng bệnh, cần cho đi khám. Sau khi khám, bác sĩ xác định trẻ chỉ có các triệu chứng của bệnh tay chân miệng cấp độ 1, cấp độ 2 thì trẻ có thể được điều trị tại nhà.
Người lớn có thể mắc bệnh chân tay miệng không?
Người lớn cũng có thể mắc bệnh chân tay miệng. Đọc thêm về các thông tin liên quan: Bệnh chân tay miệng của người lớn.
Phương Mai (tổng hợp)Bạn đang xem bài viết Bệnh chân tay miệng ở trẻ em có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách chữa trị ra sao? tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].