Đó là trường hợp của bé trai N.V. (13 tuổi, ở tỉnh An Giang) đang được điều trị tại BV Nhi Đồng Thành phố (TP.HCM). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cơ thể bị nhiễm độc nặng, bàn tay trái bị nhiễm trùng, hoại tử. Kết quả xét nghiệm ghi nhận, trẻ bị rối loạn đông máu.
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, 6 ngày trước khi nhập viện, cậu bé lên rẫy phụ giúp công việc gia đình. Khi đưa tay vịn vào thân cây chuối để chuẩn bị chặt, trẻ đã bị con rắn lục nưa (còn gọi là rắn hổ bướm) – một trong tứ đại nọc độc của loài rắn cắn vào bàn tay trái.
Sau khi diệt con rắn, người mẹ đã dùng miệng hút nọc độc, garo cánh tay cho con. Nhưng, thay vì đưa trẻ tới bệnh viện để được cấp cứu, điều trị kịp thời, gia đình lại đưa trẻ đến nhờ thầy lang ở địa phương đắp thuốc.
Sau 3 ngày thầy băng thuốc vết thương bị nhiễm trùng, nổi bóng nước lan tỏa. Các vết bầm da trên cơ thể bệnh nhi xuất hiện và lan nhanh ra toàn thân. Bên cạnh đó, trẻ đối mặt với những cơn đau nửa thân người bên trái và đau ê ẩm vùng bụng, lúc này gia đình mới đưa đến BV Nhi Đồng Thành phố cấp cứu.
Tại bệnh viện, các bác sĩ đã thực hiện cắt lọc hoại tử, xử lý tình trạng nhiễm trùng đồng thời truyền huyết thanh kháng độc tố rắn lục kết hợp với các loại chế phẩm máu để điều trị tình trạng rối loạn máu cho bệnh nhi. Sau nhiều ngày được chăm sóc, điều trị tích cực, hiện bệnh nhi đã vượt qua được cơn nguy kịch, sức khỏe bình phục tốt.
Các bước sơ cứu khi bị rắn độc cắn
Qua trường hợp bệnh nhi trên, bác sĩ của BV Nhi đồng Thành phố khuyến cáo người dân, nếu bị rắn độc cắn, cần ngay lập tức gọi số khẩn cấp cho bệnh viện gần nhất để được cấp cứu bằng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu đã được dự trữ sẵn, đặc biệt khi là thấy vết thương có dấu hiệu đổi màu, bắt đầu sưng hoặc đau.
Trong thời gian chờ sự trợ giúp y tế, nên thực hiện các bước sơ cứu khi bị rắn độc cắn như sau để làm chậm và hạn chế nọc độc xâm nhập vào cơ thể:
- Di chuyển nạn nhân xa ra khỏi tầm hoạt động của con rắn;
- Giữ bình tĩnh và hạn chế cử động, tốt nhất là bất động chi bị cắn bằng nẹp, để làm chậm sự lây lan của nọc độc;
- Tháo bỏ đồ trang sức và nới lỏng quần áo chật nhằm tránh gây chèn ép khiến vết thương bắt đầu sưng lên;
- Điều chỉnh tư thế sao cho vùng bị cắn nằm thấp hơn mức tim, chẳng hạn như nằm xuống, kể cả trong lúc được vận chuyển đến bệnh viện;
- Làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý;
- Dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn.
Lưu ý trong sơ cứu khi bị rắn cắn
- Không nên áp dụng bừa bãi kinh nghiệm dân gian để sơ cứu khi bị rắn cắn, cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời
- Không sử dụng băng garo cột chặt vào vùng bị cắn, cách này vừa làm đau nạn nhân, vừa cản trở máu lưu thông đến các chi gây hoại tử, rất nguy hiểm;
- Không tùy tiện chườm lạnh, bôi hóa chất, đắp lá cây... lên vết thương hoặc uống thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ;
- Không rạch, đâm chích vết thương hoặc cố gắng loại bỏ nọc độc vì không mang lại lợi ích gì, mà còn có thể sẽ khiến nhiễm trùng nặng thêm;
- Tránh dùng thức uống có chứa caffeine hoặc rượu vì chúng có thể làm tăng tốc độ hấp thụ nọc độc của cơ thể;
- Không nên cố bắt con rắn. Thay vào đó nên ghi nhớ màu sắc, hình dạng và phương thức tấn công của chúng để có thể mô tả với bác sĩ, thông tin này sẽ có ích trong điều trị. Nếu có điện thoại thông minh bên mình và thuận tiện, hãy chụp ảnh con rắn từ khoảng cách an toàn để giúp việc nhận dạng được dễ dàng hơn.
Việc nhận biết và tránh xa môi trường có rắn sinh sống hay ẩn nấp là cách đề phòng bị rắn độc cắn hiệu quả.
Ngoài ra nên trang bị quần áo bảo hộ an toàn và dùng đèn chiếu sáng nếu đi trong rừng hoặc biển, đến gần khu vực nhiều cây cỏ hay vũng nước, có đống đổ nát, đặc biệt là trong đêm tối.
Trong trường hợp gặp rắn, cần nhẹ nhàng tránh càng xa càng tốt, rắn khá sợ con người nên sẽ bỏ đi và chỉ tấn công khi cảm thấy bị đe dọa. Vì vậy không được bắt rắn, đuổi hoặc dồn ép giết chết rắn, bởi rắn dù đã chết vẫn có thể còn chứa nọc độc nguy hiểm.
Trong tất cả các trường hợp bị rắn tấn công, cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế một cách nhanh chóng và an toàn nhất. Quá trình xử trí bằng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu và theo dõi tại bệnh viện phải được tiến hành ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu để lâu thì kết quả điều trị sẽ rất kém hoặc không hiệu quả.
An AnBạn đang xem bài viết Bé trai 13 tuổi bị rắn cắn vì đưa tay vịn vào thân cây chuối tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].