Bé N.T.N.B. (8 tuổi, ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) thăm khám vì có dị vật trong tai trái.
Bác sĩ tai mũi họng thăm khám cho bé thì phát hiện trong ống tai của cháu B. có con bọ còn sống cùng với cùng một số phân do con bọ thải ra.
Ngay lập tức bé B. được các bác sĩ tiến hành gắp dị vật và đã gắp ra con bọ chó cùng một số chất thải của nó để lại trong tai em bé. Sau thủ thuật gắp dị vật bé được vệ sinh ống tai và hiện sức khỏe của bé đã ổn định.
Theo người nhà của bé B. kể lại, trong nhà bé có nuối 3 con chó. Hàng ngày bé B. thường chơi với mấy con chó, có khi còn ôm chúng vào người.
Trước khi vào viện mấy ngày bé B. kêu đau nhức tai trái. Gia đình đưa đi khám thì phát hiện có bọ chó làm tổ trong tai bé.
Theo các bác sĩ tai mũi họng, khi bị dị vật trong tai, nếu không kịp thời phát hiện để lấy ra, cháu bé sẽ bị dị ứng, ngứa ngáy lỗ tai, dẫn đến viêm ống tai, nặng hơn là viêm tai giữa.
Tình huống dị vật trong tai trẻ không hiếm gặp. Cùng trong cùng buổi sáng gắp bọ chó trong tai bé B., các bác sĩ BV ĐK Vĩnh Đức cũng đã tiến hành gắp đất sét trong tai cậu bé 6 tuổi.
Theo người thân của cháu N.G.K. (học sinh lớp 1, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), sau khi tan trường về nhà, cháu K. kể lại chuyện bị nhóm học sinh lớp 2, 3, 4 nhét đất sét vào lỗ tai.
Khi về nhà, bố của bé gọi ăn cơm nhưng K. không nghe thấy. Sinh nghi bố bé liền kiểm tra tai cho con thì thấy có đất sét trong lỗ tai của con.
Bố của bé K. tìm cách lấy đất sét trong tai con ra nhưng không hết nên đưa bé đi bệnh viện.
Tại bệnh viện, các bác sĩ tai mũi họng tiến hành soi ống tai của bé và lấy ra một hạt đất sét dẻo màu xanh bằng hạt đậu phụng (loại đất sét để làm thủ công của học sinh). Sau thủ thuật, sức khoẻ bé K. ổn định.
Dấu hiệu cảnh báo có dị vật trong tai
Khi chẳng may trẻ bị dị vật trong tai, người lớn có thể căn cứ vào các dấu hiệu nhận biết tình trạng có dị vật trong tai gồm:
- Trẻ kêu đau tai (trường hợp dị vật gây tổn thương tai hoặc màng nhĩ hoặc gây nhiễm trùng tai).
- Suy giảm hoặc mất thính lực.
- Trẻ bị ù tai.
- Trẻ có cảm giác nhột, khó chịu khi có con côn trùng chui vào ống tai.
- Da đỏ, ngứa ngáy hoặc chảy máu trong tai.
- Chóng mặt.
Nếu có bất kỳ những vấn đề sau đây, cha mẹ nên đưa trẻ tới bác sĩ chuyên khoa để thăm khám:
- Khi không thể loại bỏ các dị vật dễ dàng.
- Trẻ bị khó nghe hoặc ù tai;
- Đau tai nặng.
- Thấy có mủ hoặc máu từ tai.
Để ngăn tình trạng dị vật trong tai ở trẻ nhỏ, cha mẹ nên áp dụng các biện pháp:
- Lưu ý đến trẻ em khi trẻ đang chơi, cầm, nắm với các vật nhỏ.
- Hạn chế cho trẻ tiếp với những vật quá nhỏ, dễ mắc kẹt.
- Hạn chế dùng khăn giấy, bông gạc hoặc dụng cụ nhỏ để làm sạch ống tai trẻ.
- Cho trẻ ngủ trên giường, vệ sinh sạch sẽ thân thể, quần áo, chăn gối của trẻ.
- Không nên cho trẻ ôm, tiếp xúc với các loại vật nuôi như chó, mèo…
An AnBạn đang xem bài viết Bé 8 tuổi bị bọ chó chui vào tai làm tổ vì thường xuyên chơi với cún cưng tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].